Ai Cập hiện đang ở trong trung tâm cơn bão ở Bắc Phi, khu vực đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong hai năm qua, kể từ khi phong trào Mùa Xuân Arab nổi lên.
Một thực tế đang hiển hiện ở khu vực này, đó là những chính quyền chưa thực sự vững mạnh do phải đối đầu với quá nhiều bất ổn chính trị xã hội, những cơ chế hợp tác khu vực lỏng lẻo. Điều đó càng làm tăng thêm nguy cơ lan truyền những điểm nóng xung đột mới. Ai Cập đang đứng trước bờ vực của nội chiến. Không ai, ngoài chính người dân của nước này sẽ quyết định tương lai cho chính mình. Nhưng để có một tương lai không đổ máu thì điều đó đòi hỏi tác động của tiến trình trung gian hòa giải.
Các nỗ lực can thiệp vào tình hình ở đây không chỉ đến từ Phương Tây, từ các nước như Mỹ hay Liên minh châu Âu, mà còn cả các quốc gia có tiếng nói trong khu vực Trung Đông. Và để xây dựng được một khuôn khổ cho quá trình thương lượng, thì điều quan trọng là các nước liên quan cần phải thấu hiểu, các lực lượng ở Ai Cập đang thực sự mong muốn điều gì, họ có thể nhượng bộ nhau đến đâu để đi đến một giải pháp chấp nhận được.
Một cách tiếp cận hai chiều, bao gồm giữa gây áp lực và cứu trợ là cần thiết, để vãn hồi một trật tự chính trị ở Ai Cập, trong đó, các phe nhóm có thể hóa giải hận thù mà không cần dùng tới bạo lực đường phố, trấn áp hay tiến hành đảo chính.
Quý vị quan tâm tới vấn đề này có thể xem lại chương trình “Toàn cảnh thế giới” với khách mời là Tiến sỹ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao dưới đây.