Bế tắc ngân sách và khủng hoảng chính trị kéo dài 2 tuần qua ở nước Mỹ đã tạm thời chấm dứt vào ngày hôm nay (17/10), khi lưỡng viện Quốc hội lần lượt bỏ phiếu thông qua ngân sách mang tính thỏa hiệp, nâng trần nợ công. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngay lập tức ký ban hành đạo luật này.
‘ Tổng thống Obama ký ban hành luật nâng trần nợ công. (Ảnh: AP)
Nước Mỹ, như vậy, đã tránh được nguy cơ vỡ nợ và Chính phủ có thể hoạt động trở lại sau 16 ngày đóng cửa.
Ngay khi dự luật ngân sách được trình lên Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama đã ký ban hành đạo luật mà theo tuyên bố của Nhà Trắng thì đây là một cái kết có hậu của một vở bi kịch suýt đẩy nước Mỹ rơi vào thảm họa vỡ nợ chưa từng có. Từ hôm nay (17/10), các cơ quan Chính phủ liên bang Mỹ sẽ sớm quay trở lại nhịp hoạt động bình thường và toàn bộ nhân viên công sở từng phải nghỉ việc trong 2 tuần qua do một số bộ phận cơ quan Mỹ đóng cửa, sẽ quay trở lại làm việc bắt đầu từ hôm nay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết: "Chúng ta sẽ mở cửa trở lại Chính phủ ngay lập tức, dỡ bỏ đám mây lo lắng, bất ổn đang bao trùm các hoạt động kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân Mỹ”.
Trước đó ít phút, lưỡng viện Quốc hội lần lượt bỏ phiếu thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách mang tính thỏa hiệp, theo đó đồng ý cấp ngân sách cho Chính phủ hoạt động trở lại đến ngày 15/1/2014 và gia hạn quyền vay tiền trả nợ cho Bộ Tài chính đến hết ngày 7/2/2014.
Ông Harry Reid, Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ nói: "Ngăn chặn cuộc khủng hoảng này là sự kiện lịch sử. Cuộc khủng hoảng này không đem lại điều gì tốt cho đất nước chúng ta. Chúng ta không thể mắc phải sai lầm tương tự một lần nữa".
Việc Quốc hội thông qua thỏa thuận ngân sách được coi là một chiến thắng của Tổng thống Obama và là sự thất bại của phe Cộng hòa khi các thành viên của Đảng này đã phải chấp nhận một sự nhượng bộ chưa từng có, đó là không đụng chạm gì tới Đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Obama, còn được gọi là ObamaCare.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, ngay cả khi Quốc hội và Chính phủ Mỹ đạt được một thỏa thuận thì vẫn không thể loại trừ tận gốc khả năng nền kinh tế số một thế giới sẽ lại tiếp tục đứng bên bờ vực vỡ nợ nếu như một giải pháp lâu dài không nằm trong kế hoạch của Chính phủ và các nhà lập pháp nước này.