Người Philippines cắm cờ lên khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Ảnh: philippines defence
Trong khi đó, ngày 26/4, Trung Quốc tuyên bố, không chấp nhận việc Philippines đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo lên Toà án quốc tế. Tuyên bố của các bên được đưa ra trong bối cảnh ngày 24/4 vừa qua, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển đã chính thức chỉ định các trọng tài viên cho Tòa Trọng tài giải quyết vụ kiện của Philippines.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 26/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Doanh tuyên bố: Bắc Kinh không chấp nhận việc Philippines đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ra Tòa án quốc tế. "Các bên ký kết Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), trong đó có Philippines đã cam kết rằng, các quốc gia có chủ quyền tại khu vực có thể giải quyết những tranh chấp về chủ quyền lãnh hải thông qua đàm phán. Chúng tôi tin rằng, Tuyên bố DOC nên được thực thi toàn diện và nghiêm túc. Trung Quốc ủng hộ các quy tắc quốc tế và tinh thần của Tuyên bố và cam kết theo đuổi các cuộc đàm phán song phương nhằm giải quyết những tranh chấp lãnh hải".
Sau nhiều nỗ lực ngoại giao bất thành, đầu năm nay, Philippines đã đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc lên Toà án quốc tế theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982. Trong đơn gửi Tòa án quốc tế, Philippines khẳng định "cái mà Trung Quốc gọi là đường 9 đoạn bao gồm hầu hết lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông, là bất hợp pháp". Do đó, Manila yêu cầu Bắc Kinh "từ bỏ các hoạt động bất hợp pháp, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo UNCLOS năm 1982".
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, một Tòa Trọng tài thuộc Tòa án quốc tế về Luật Biển đã được thành lập để giải quyết những khiếu kiện của Manila đối với Trung Quốc và dự kiến tháng 7 tới, có thể quyết định liệu Tòa Trọng tài này có quyền xét xử vụ kiện hay không. "Chúng tôi tin rằng, việc đưa vấn đề lên Tòa án quốc tế sẽ mang lại giải pháp lâu dài cho tranh chấp hiện nay. Còn bất kỳ một giải pháp nào đưa ra mà không tính tới yếu tố pháp lý, sẽ là giải pháp không bền vững".
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 vừa kết thúc tại Brunei, 10 nước ASEAN đã bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC.
Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh: "Tôi nghĩ ASEAN hiện nay đã hoàn toàn sẵn sàng để đàm phán về Bộ quy tắc COC, bước tiếp theo sẽ tùy thuộc vào Trung Quốc".
Ngoại trưởng Del Rosario cũng cho rằng, Hội nghị Brunei cho thấy tất cả các thành viên ASEAN đã thống nhất quan điểm về việc mong muốn thuyết phục Trung Quốc hướng tới một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.