Với với ưu điểm là khả năng nhận biết cử chỉ của người dùng một cách nhanh nhạy,
công nghệ mới này hứa hẹn sẽ sớm được áp dụng tại các phòng mổ, công trường xây dựng, hay trong lĩnh vực phát triển trò chơi điện tử.
Trong màn hình tương tác có khả năng trôi nổi trong không gian mà hai giáo sư Ishikawa và Yamamôt thuộc trường đại học Tokyo, Nhật Bản đang phát triển, ánh sáng tạo ra bởi một màn hình LED ẩn sẽ được chiếu lên một bề mặt phản quang qua một tấm gương một chiều, từ đó tạo ra hình ảnh trong không gian.
Giáo sư Masatoshi Ishikawa, Đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết: "So với những màn hình được tạo ra đến thời điểm này, một trong những khác biệt lớn nhất của công nghệ màn hình trôi nổi trong không gian là các góc nhìn đã được tăng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, nó còn có tính năng nhận biết cử chỉ của người dùng cực nhanh. Đó là một trong những thay đổi lớn nhất“.
Máy ảnh âm thanh nổi đặt trên cao sẽ chụp lại hàng trăm hình ảnh mỗi giây, từ đó theo dõi cử động của bàn tay, ngón tay của người dùng khi họ gạt hoặc ấn vào màn hình trôi nổi. Sau đó, phần mềm máy tính sẽ chuyển những cử chỉ này thành các câu lệnh.
Giáo sư Masatoshi Ishikawa cho biết thêm: "Tại các bệnh viện và nhất là trong khi phẫu thuật, tay của bác sĩ thường không tiện để bấm vào mà hình, nhưng với công nghệ này thì khác, họ vẫn có thể dùng cử chỉ để điều khiển. Công nghệ này cũng thích hợp với nhiều tình huống tại các công trường xây dựng”.
Ngoài ra, lĩnh vực phát triển trò chơi điện tử cũng một lĩnh vực tiềm năng khác của công nghệ màn hình tương tác trôi nổi trong không gian. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản hy vọng, công nghệ màn hình tương tác trôi nổi của họ sẽ sớm được tung ra thị trường trong năm 2015.