Chủ nhiệm công trình nghiên cứu Daniel Fletcher, một chuyên gia tại đại học California cho biết, đây là lần đầu tiên có một thiết bị kết hợp công nghệ hình ảnh với tự động hóa phần cứng và phần mềm, để tạo ra một giải pháp chẩn bệnh toàn diện.
Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí "Y học tịnh tiến khoa học" (Science Translational Medicine) của Mỹ, tại các vùng khí hậu nhiệt đới, thường xuyên xuất hiện các bệnh do ký sinh trùng gây ra như bệnh mù sông (river blindness) hay bệnh chân voi (elephantiasis).
Y học hiện tại thường sử dụng một loại thuốc tên gọi "ivermectin" để điều trị và kiểm soát hai bệnh này. Tuy nhiên, "ivermectin" lại nguy hiểm khi điều trị trên những người nhiễm ký sinh trùng "Loa loa" - nguyên nhân gây ra bệnh sán mắt châu Phi (loiasis). Người bệnh có thể bị tổn thương về não và thậm chí tử vong. Tại một số nơi ở Tây và Trung Phi, nơi nhiễm trùng "Loa loa" khá phổ biến, việc sử dụng "ivermectin" đã bị ngừng và khiến hàng triệu người nhiễm 2 căn bệnh trên không được điều trị.
Một phương án được đề xuất là xác định và tách riêng những người nhiễm trùng "Loa loa". Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm tiêu chuẩn hiện nay đòi hỏi cần có một kính hiển vi để đếm các ký sinh trùng trong mẫu máu và cần ít nhất một ngày để hoàn thành.
Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã phát triển "CellScope Loa", một kính hiển vi video gắn với điện thoại iPhone 5s. Với sự trợ giúp từ một ứng dụng iPhone đặc biệt, thiết bị này sẽ tự động ghi lại và phân tích các đoạn băng để tìm kiếm chuyển động của các ấu trùng ký sinh trùng, cho phép xác định số lượng của chúng trong mẫu máu chỉ trong 2 phút. Khi thử nghiệm kiểm tra 33 trường hợp nghi nhiễm "Loa loa" tại Cameroon, thiết bị mới cho kết quả chính xác tương đương với kính hiển vi tiêu chuẩn.
Mặc dù vẫn cần nghiên cứu sâu hơn nhưng các chuyên gia tin rằng với thiết bị mới này, một nhóm 3 nhân viên y tế có thể xét nghiệm tới 200 người trong vòng 4 giờ đồng hồ. Hiện nhóm nghiên cứ đang tiến hành mở rộng ứng dụng "CellScope Loa" tới khoảng 40.000 người tại Cameroon.
Nghiên cứu này có sự tham gia của các chuyên gia từ Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia của Mỹ cùng các cộng tác viên tại Cameroon và Pháp.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.