Tùng Dương: Hãy đón nhận nhạc Trịnh với một tinh thần mới và cảm xúc mới

Hải Dương-Thứ sáu, ngày 31/03/2017 09:26 GMT+7

Theo ca sĩ Tùng Dương, các ca sĩ trẻ có thể hát nhạc Trịnh theo nhiều phong cách sáng tạo nhưng cần sáng tạo trong khuôn khổ.

Những năm gần đây, khán giả thường xuyên thấy Tùng Dương xuất hiện những chương trình nhạc Trịnh. Ngày 7/3 vừa qua, Tùng Dương cũng góp mặt trong đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang tên Ru em.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng, phong cách "độc - dị - lạ" của Tùng Dương không phù hợp để hát nhạc Trịnh, cũng như phản đối cách hát nhạc Trịnh mới lạ.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng divo Tùng Dương để nghe anh chia sẻ về những điều này.

Nhiều người nhận xét rằng, nhạc của Trịnh Công Sơn khó hát bởi ca từ sâu sắc và mang tính triết lý cao. Vậy còn Tùng Dương, anh cảm nhận về nhạc của cố nhạc sĩ như thế nào?

Đúng là cần đủ trưởng thành chúng ta mới có thể hát được nhạc Trịnh. Khi chúng ta trưởng thành, hiểu về những thăng trầm, những quy luật của cuộc đời thì lúc đó chúng ta sẽ thấm thía những câu chữ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Khi đã hiểu được nhạc của Trịnh Công Sơn thì sẽ thấy rằng, ông luôn sống với tâm thế bình thản và đón nhận mọi biến động của cuộc đời một cách hết sức giản đơn.

Riêng bản thân tôi, tôi đặc biệt thích mảng âm nhạc tâm linh của Trịnh Công Sơn. Đó là âm nhạc thể hiện triết lý sâu sắc của đạo Phật và những giá trị sống. Cách nhìn nhận của ông về cuộc đời khiến tôi phải nể phục.

Về con người Trịnh Công Sơn, tôi cảm nhận, ông là một con người nhạy cảm với cuộc đời, một con người bé nhỏ nhưng nội lực lại rất phi thường. Ông như đại diện cho một thế hệ, luôn mang trong mình những trăn trở về cuộc sống, về con người…

Tùng Dương: Hãy đón nhận nhạc Trịnh với một tinh thần mới và cảm xúc mới - Ảnh 1.

Không ít người nói, phong cách của Tùng Dương không phù hợp để hát nhạc Trịnh. Anh có thấy chạnh lòng vì điều này?

Nếu đề cập đến sự phù hợp, có lẽ danh ca Khánh Ly là phù hợp nhất, bởi như người ta vẫn nói "Khánh Ly sinh ra là để hát nhạc Trịnh". Nhưng theo tôi, nếu muốn chuyển giao các thế hệ, muốn con cháu chúng ta thuộc và hát thì nhạc Trịnh nên có thêm hơi thở của thời đại, tư duy mới mẻ và suy nghĩ của con người ngày hôm nay.

Khán giả cũng nên mở rộng cách đón nhận, không nên chỉ giới hạn nhạc Trịnh trong giọng hát của danh ca Khánh Ly. Hãy đón nghe nhạc Trịnh với tinh thần mới, cảm xúc mới của thế hệ những người nghệ sĩ đương đại. Họ có thể không hát theo lối cũ, có cách hát mới mẻ hơn… nhưng dù ở cách nào thì họ luôn có sự trân trọng đối với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông. Đó là điều rất đáng khen và đáng hoan nghênh.

Còn tôi, tôi luôn hát nhạc Trịnh với một tâm thế vô cùng thanh thản.

Nhưng nhiều nghệ sĩ lại phản đối hát nhạc Trịnh theo một phong cách mới?

Có nhiều cách làm mới nhưng làm mới theo cách nào? Nếu hát nhạc Trịnh trên nền nhạc điện tử, EDM, rap… chắc chắn sẽ nhiều người bị phản đối bởi nó không hề phù hợp. Nhạc Trịnh vẫn cần đúng mảng màu, những bản hòa âm hơi hướng Jazz hay Blues sẽ phù hợp với tinh thần âm nhạc của Trịnh Công Sơn hơn. Bản chất nhạc Trịnh đã rất đẹp rồi nên chúng ta không cần quá cầu kì khi thể hiện.

Tôi không có định kiến gì khi các bạn trẻ hát nhạc Trịnh mà ngược lại, tôi vẫn kêu gọi, mong muốn các bạn hát nhạc Trịnh với sự sáng tạo, nhưng sáng tạo trong khuôn khổ.

Tùng Dương: Hãy đón nhận nhạc Trịnh với một tinh thần mới và cảm xúc mới - Ảnh 2.

Được biết, những năm gần đây, Tùng Dương là một nghệ sĩ thường xuyên xuất hiện trong những chương trình nhạc Trịnh. Vậy anh đã làm thế nào để tiết chế được sự "quái tính" của mình khi hát nhạc Trịnh để làm hài lòng khán giả?

Nhạc của Trịnh Công Sơn thường có giai điệu dung dị, gần gũi còn ca từ thì triết lý sâu sắc, hai điều này bổ trợ cho nhau để làm nên một nhạc phẩm tuyệt vời. Hát Trịnh không cần quá kỹ thuật nên tôi luôn hát nhạc Trịnh một cách hết sức tự nhiên, như một người kể lại những câu chuyện cũ, một người có sự đồng cảm với tâm hồn tác giả.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thể nghiệm nhưng sự thể nghiệm đó không nên đi quá xa với nhạc Trịnh, nên có sự tiết chế nhất định để làm cho bài hát ra được màu sắc của Trịnh Công Sơn mà vẫn đảm bảo được cá tính âm nhạc riêng của mình.

Theo Tùng Dương, vì sao các ca sĩ trẻ thường ít chọn nhạc Trịnh để thể hiện?

Theo tôi, để hát được nhạc Trịnh, cần có một sự trưởng thành và trải nghiệm nhất định. Khi đã trưởng thành và trải qua những vấp váp của cuộc đời thì mới có thể hiểu triết lý sâu sắc trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Và người nghệ sĩ để có thể thổi hồn và đưa cảm xúc vào trong bài hát cần phải hiểu hết ý nghĩa của bài hát đó.

Có lẽ, chính vì chưa đủ trải nghiệm nên các ca sĩ trẻ ít chọn nhạc của Trịnh Công Sơn để thể hiện.

Vậy theo anh, điều gì là quan trọng nhất với một người nghệ sĩ khi hát nhạc Trịnh?

Nhạc Trịnh rất đặc biệt. Nghệ sĩ khi hát nhạc Trịnh không chỉ hát bằng cổ họng mà còn phải hát bằng cả tâm hồn, sự đồng điệu và bằng cả sự nhận thức. Nếu không hiểu đang hát gì thì khó có thể hát hay được.

Biết rằng cố nhạc sĩ có rất nhiều các ca khúc để đời, vậy Tùng Dương tâm đắc nhất với ca khúc nào của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

Trong những năm gần đây, tôi nhận được rất nhiều lời mời hát nhạc Trịnh Công Sơn và cũng được gia đình của cố nhạc sĩ rất yêu mến. Các anh chị trong gia đình cố nhạc sĩ từng nhận xét rằng, Tùng Dương có cách hát nhạc Trịnh rất khác và mọi người rất thích cách hát đó.

Không phải bài hát nào của Trịnh Công Sơn cũng phù hợp với giọng hát của tôi và ngược lại. Gần đây, có một số bài tôi thường hát và cảm thấy rất tâm đắc như: Tiến thoái lưỡng nan, Ra ta ngậm ngùi, Ru đời đi nhé… Đây là những bài hát tôi tìm được sự đồng cảm trên con đường mong muốn giác ngộ Phật pháp, khi hát tôi như tìm được 1 cõi thanh thản.

Cảm ơn Tùng Dương về những chia sẻ thú vị này!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước