Ông Huỳnh Văn Nén xúc động khi nhớ mẹ - đã mất một năm trước khi ông được tự do. Ảnh: Hoàng Trường
“Hơn 17 năm, cha tôi không được một giấc ngủ tròn. Đáng lẽ ở tuổi của ông được an nhàn bên con cháu thì ông phải ngược xuôi lo toan cho tôi. 17 năm khi tôi ở tù, mẹ tôi đã ra đi với nỗi lo đau đáu. Đến tận trước khi nhắm mắt, bà vẫn nói với cha tôi rằng hãy lo cho tôi. Có ai trên đất nước này khổ như tôi không? Chắc không có và tôi cũng không muốn có bởi cay đắng đó dù chỉ một ngày thì cũng không ai muốn nếm trải”, ông Huỳnh Văn Nén – người được báo chí gọi là “Người tù thế kỷ” với hai bản án oan cho tội giết người – phát biểu tại buổi xin lỗi công khai được Công an tỉnh Bình thuận tổ chức hôm 3/12.
Trước đó, vào sáng ngày 28/11, đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén – người ngồi tù 17 năm trong vụ án giết hại bà Nguyễn Thị Bông ở xã Tân Minh, Hàm Thuận, Bình Thuận. Vụ án của ông Huỳnh Văn Nén có hai cái nhất, một là thời gian ngồi tù lâu nhất; hai là cùng lúc, ông Nén phải chịu liền hai án oan.
Khi được hỏi tại sao sau 17 năm, ông Huỳnh Văn Nén mới được minh oan trong khi trong quá trình tố tụng đã xuất hiện rất nhiều sai phạm, luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội và là khách mời của chương trình Sự kiện bình luận tuần này - trả lời: “Để buộc tội một người thì chỉ mất một thời gian ngắn nhưng để minh oan, có những vụ án mất 10 năm, có vụ lại mất tới 17 năm như vụ ông Huỳnh Văn Nén. Trong vụ án của ông Huỳnh Văn Nén, ngay từ đầu, hai cơ quan Điều tra khởi tố và Viện Kiểm sát đã căn cứ vào lời khai nhận để truy xét, thu thập các tài liệu chứng cứ. Và khi lời khai đã trùng khớp với các bằng chứng, quá trình khởi tố diễn ra rất nhanh. Thế nhưng để vụ án được xem xét bởi một lá đơn kêu oan thuần túy của công dân mà không có trợ giúp pháp lý của luật sư và các tài liệu chứng cứ khác thì quả thực rất khó khăn”.
“Từ năm 2000, đã có người đứng lên tố cáo thủ phạm vụ án không phải ông Nén. Lúc đầu, không hiểu lý do vì sao tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nén vẫn nhận tội và không kháng cáo. Chúng tôi cho rằng có rất nhiều yếu tố tác động tâm lý khiến ông Nén cảm thấy rằng việc kêu oan là vô ích” - ông Chiến nói thêm – “Nếu như Bộ luật tố tụng hình sự mới sửa đổi được áp dụng ở buổi hỏi cung đầu tiên, có lẽ, ông Nén sẽ không bị bức cung, không bị dùng hình và không phải chịu án oan tới 17 năm như vậy”.
Lý giải về việc Viện Kiểm sát đưa ra kết luận chỉ dựa trên kết quả điều tra của công an mà thiếu những phiên chất vấn và sự xem xét khách quan, ông Chiến nói: “Cơ chế tố tụng của Việt Nam là tố tụng thẩm vấn, không phải tố tụng tranh tụng như một số quốc gia khác. Tố tụng thẩm vấn chủ yếu chỉ là kiểm tra lại hồ sơ mà cơ quan điều tra đã thu thập rồi Viện kiểm sát xem xét truy tố bản cáo trạng. Do vậy, những chi tiết nằm ngoài hồ sơ thường không được xem xét một cách kỹ lưỡng”.
Ở vụ án oan thế kỷ này, câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Đạo đức công vụ trong quá trình điều tra xét xử hiện nay phải chăng đang có vấn đề? Chia sẻ quan điểm về điều này, ông Chiến thẳng thắn nói: “Đây là thực trạng ở bất cứ xã hội nào. Nếu như đặt kết quả điều tra làm thành tích khen thưởng thì tôi nghĩ rằng thành tích vẫn nặng hơn lương tâm và trách nhiệm”.
Để biết lắng nghe thêm những chia sẻ của luật sư Nguyễn Văn Chiến về vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!