ARV và cuộc chiến chống HIV/AIDS: Sẽ gặp khó khi chuyển sang nguồn bảo hiểm y tế?

-Thứ bảy, ngày 09/03/2019 11:28 GMT+7

VTV.vn - Với việc nguồn thuốc viện trợ đang bị cắt giảm, những người nhiễm HIV/AIDS đã được nhận thuốc điều trị ARV thông qua nguồn mới là bảo hiểm y tế.

Thuốc ức chế sự phát triển của virus HIV – ARV hiện không được các tổ chức quốc tế viện trợ cho Việt Nam. Điều này đặt ra thách thức lớn cho Chính phủ trong việc duy trì điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV, tránh việc lây lan căn bệnh này ra cộng đồng. Cơ chế tài chính nào giúp hỗ trợ việc này và đảm bảo người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị hiệu quả với mức chi phí hợp lý, nhất là với nhóm nguy cơ cao?

Chương trình Sự kiện và bình luận tuần này sẽ bàn luận về chủ đề trên với sự tham gia của chị Đoàn Thị Khuyên – Trưởng nhóm Sống tích cực tại Hải Phòng, TS. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế và ông Lê Văn Phúc – Trưởng ban Dược và Vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ông Hoàng Đình Cảnh cho biết, trong giai đoạn đầu trước đây nguồn thuốc ARV của Việt Nam chủ yếu tới từ quốc tế. Việc nguồn thuốc này bị cắt giảm đã được Chính phủ quan tâm và giải quyết theo từng giai đoạn.

"Chúng ta đã làm việc này rất bài bản. Khi có thông báo cắt giảm thuốc của các tổ chức quốc tế thì Chính phủ, Bộ Y tế đã làm việc với các tổ chức đề nghị cắt giảm theo lộ trình. Như vậy, trong những năm qua, đề án về đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS do Chính phủ phê duyệt đã đưa vào tăng nguồn lực trong nước để trong nước, chuyển sang nguồn bảo hiểm y tế. Việc này đã được làm trong hơn 3 năm qua hết sức quyết liệt để đảm bảo đến nay chúng ta đưa thuốc bảo hiểm y tế tới người bệnh", ông Hoàng Đình Cảnh nói.

Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Hiện nay, chưa có thống kê con số cụ thể bệnh nhân sử dụng bảo hiểm trong điều trị HIV/AIDS, bởi người bệnh không chỉ uống thuốc mà còn nhiều loại dịch vụ khác. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Phúc, mục tiêu của chính sách điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua nguồn bảo hiểm y tế vẫn đang được duy trì ổn định.

"Hiện tại, quỹ bảo hiểm y tế vẫn sử dụng nguồn từ đóng góp của Nhà nước, của người tham gia bảo hiểm y tế để sử dụng điều trị cho nhóm đối tượng này, cũng như những bệnh khác chưa có nguồn lực để sử dụng… Điều đó tất nhiên sẽ tăng gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế" - ông Lê Văn Phúc cho biết – "Trong năm qua, quỹ bảo hiểm y tế cũng bị mất cân đối và phải dùng tới quỹ dự phòng để điều trị cho bệnh nhân. Như vậy, mỗi bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trong một năm sẽ sử dụng khoảng 6 triệu đồng. Hơn 100.000 bệnh nhân thì chúng ta cần hơn 600 tỷ đồng để điều trị cho nhóm đối tượng này".

"Chính phủ đã có lộ trình để điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế trong thời gian tới, có thể sau năm 2020 để đảm bảo điều trị cho nhiều nhóm bệnh nhân. Chúng ta cũng cần giải pháp để tăng thêm nguồn thu, đảm bảo đáp ứng điều trị cho người bệnh. Các nước khác từng có kinh nghiệm như tăng thuế từ rượu, bia hay thuốc lá để tăng nguồn bảo hiểm y tế", ông Lê Văn Phúc khẳng định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước