GS-TS Nguyễn Đức Ngữ (ngồi giữa) và ông Trần Đại Nghĩa (ngoài cùng bên phải) tại chương trình Sự kiện & Bình luận ngày 4/4.
Biến đối khí hậu đã và đang làm trầm trọng thêm những nguy cơ sẵn có với an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng và sức khoẻ, đe doạ sự phát triển kinh tế cộng động của dân cư. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, dự báo đến năm 2020, nhiệt độ trung bình sẽ tăng 0,7 độ C, mực nước biển dâng cao 20cm. Với tốc độ này, vào năm 2100, hơn 12% diện tích vùng ven biển Việt Nam có nguy cơ mất hoàn toàn, 25% dân số cả nước bị ảnh hưởng.
Không cần phải bình luận nhiều, chúng ta cũng đã thấy được sự khốc liệt của thiên tai. Không nói đâu xa, chỉ cách đây hơn 1 tuần, mưa lũ bất ngờ trên diện rộng đã khiến hàng ngàn hecta hoa màu và lúa bị ngập trong nước. Đây là trận mưa lũ bất thường khiến mực nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi lên cao nhất so với cùng thời kỳ, tính từ năm 1976 đến nay.
Trong khi mưa lũ bất thường gây ngập úng hàng ngàn hecta hoa màu và lúa thì tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn lại xảy ra trên diện rộng ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Mức độ hạn hán cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là gay gắt nhất trong 10 năm qua.
Thêm một hiện tượng nữa cũng đáng lo ngại không kém, đó là ngay từ những ngày đầu tiên của mùa hè năm nay, chúng ta đã và đang phải đối mặt với nắng nóng bất thường của thời tiết. Vậy nguyên nhân của sự bất thường này là gì và nó đã tác động đến hoạch định chính sách như thế nào?
Trong cuộc toạ đàm tại chương trình Sự kiện & Bình luận sáng nay (4/4) về chủ đề này có sự tham gia của hai khách mời: GS - TS Nguyễn Đức Ngữ, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ khí tượng thuỷ văn và Môi trường. Giáo sư Ngữ là một trong những nhà nghiên cứu khoa học đầu tiên đã tiến hành nghiên cứu về biến đổi khí hậu ngay từ những năm 90. Và vị khách mời thứ hai là ông Trần Đại Nghĩa, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường thuộc Viện chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
GS-TS Nguyễn Đức Ngữ và người dẫn chương trình - Nhà báo Xuân Dung.
Nói về sự bất thường của thời tiết - với tư cách người theo dõi lâu năm sự biến đổi của khí hậu, GS-TS Nguyễn Đức Ngữ cho rằng hiện tượng mưa lớn ở khu vực miền Trung, đặc biệt ở Thừa Thiên Huế hay hiện tượng nắng nóng trong những ngày đầu tháng 4 - khi vừa kết thúc mùa Đông - là "hiện tượng bất thường và không bình thường.
"Tháng 3 không phải mùa khô nhưng cũng chưa phải là mùa mưa ở các vùng ven biển miền Trung nên hiện tượng mưa lớn ở Thừa Thiên Huế là hiện tượng bất thường. Trong những ngày đầu tháng 4, khi chỉ vừa kết thúc mùa Đông mà thời tiết đã nắng nóng như những tháng mùa Hè cũng là hiện tượng không bình thường" - GS-TS Ngữ nói.
Ngay sau lời khẳng định trên, ông nói tiếp: "Còn hiện tượng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước ở nhiều nơi, nhất là ở dải Nam Trung Bộ, miền Trung, Tây Nguyên... thì nó có ảnh hưởng của hiện tượng El Nino".
"Hiện tượng El Nino yếu bắt đầu từ cuối quý III đầu quý IV của năm 2012 và hiện nay vẫn đang tiếp tục duy trì. Và nhiều mô hình dự báo cho rằng hiện tượng El Nino có khả năng ảnh hưởng trong suốt năm 2015. Nếu dự đoán là đúng thì năm nay khả năng hạn hán sẽ còn tiếp tục duy trì".
Để nghe trọn vẹn cuộc toạ đàm của GS-TS Nguyễn Đức Ngữ và ông Trần Đại Nghĩa tại Sự kiện & Bình luận, bạn hãy xem video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.