Chính sách cho người có công: Vướng mắc từ việc chứng minh giấy tờ gốc

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 22/07/2017 13:39 GMT+7

VTV.vn - Một trong những vướng mắc trong giải quyết hồ sơ người có công hiện nay nằm ở khâu chứng minh giấy tờ gốc.

Chiến tranh đã trôi qua nhiều năm nhưng nỗi khắc khoải chưa làm tròn trách nhiệm với những người đã ngã xuống, đóng góp máu xương cho đất nước là điều trăn trở của nhiều người dân Việt cũng như những người làm chính sách. Trong hàng chục năm qua, khoảng 9 triệu người đã được hưởng chính sách dành cho người có công của Nhà nước. Đại bộ phận trong đó được hưởng đúng, hưởng đủ. Nhưng qua rà soát, kiểm tra 60.000 hồ sơ, còn 1.800 hồ sơ hưởng sai chính sách. Hàng nghìn hồ sơ người có công chưa được giải quyết.

Thực thế cho thấy, vướng mắc lớn nhất trong quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng là chứng minh giấy tờ gốc. Trong khi đó, thời gian trôi qua, những nhân chứng lịch sử ngày càng già yếu, thậm chí qua đời nên việc xác minh hồ sơ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Duy Kiên – Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết từ năm 1956 – 2005, khi yêu cầu giấy tờ gốc, cơ quan chức năng đã có 50 năm áp dụng cơ chế thuận lợi nhất cho người có công được hưởng chế độ.

"Trước đây, chúng ta quy định nếu người có công còn sống thì người có công viết bản khai trên cơ sở xác nhận làm chứng của 2 người cùng đơn vị để giải quyết. Nếu người có công mất thì sẽ căn cứ vào phiếu phát hiện của địa phương, đồng đội để giải quyết. Tuy nhiên, cùng với cơ chế tạo thuận lợi cho người có công hưởng chế độ thì xuất hiện tình trạng lợi dụng cơ chế chính sách để man khai giải quyết chế độ".

"Từ năm 2005, chúng ta đã thực hiện việc giải quyết xác nhận căn cứ vào hồ sơ không nói là giấy tờ gốc nhưng là những giấy tờ mang tính pháp lý, ví dụ như giấy tờ quản lý của đơn vị cũ, xác nhận ở địa phương...." - ông Nguyễn Duy Kiên phân tích tiếp - "Việc chúng ta xác nhận hồ sơ người có công theo quy trình trước đây đã bộc lộ bất cập như không chính xác, gặp khó khăn vì tìm người làm chứng sau nhiều năm không đơn giản... Chính vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cùng Bộ Quốc phòng xây dựng thông tư liên tịch số 28 áp dụng với những trường hợp không còn hồ sơ, cũng không đặt ra cơ chế người làm chứng nữa".

"Đột phá khẩu trong chính sách này là việc ban hành một cơ chế đặc biệt, không mang tính đại trà và chỉ áp dụng với trường hợp đặc biệt. Ở đây, điều cần nhấn mạnh là sự phát huy công khai, dân chủ, tận dụng mọi nguồn thông tin để xác nhận cho người có công", ông Nguyễn Duy Kiên nói.

"Quy định do con người tạo nên nhưng phải phù hợp thực tế, cần xác định mở chính sách đến đâu, mở như thế nào để người xứng đáng phải được hưởng còn những người không đủ điều kiện thì không được hưởng. Đó mới là công bằng. Chính vì trăn trở đó chúng ta quyết định giải quyết trường hợp đặc biệt bằng cơ chế đặc biệt, mở rộng tất cả các nguồn thông tin, phát huy tất cả sự dân chủ, công khai của địa phương, huy động những người đồng thời, lão thành cách mạng để tìm ra những người có công thực sự".

Hiện nay, cả nước còn 28.500 trường hợp kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách, trong đó có người tự kê khai, có người mới cung cấp hồ sơ hay có trường hợp người làm chứng đến kê khai hộ. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tập trung giải quyết 5.900 hồ sơ đã kê khai đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tưởng nhớ ngày Thương binh liệt sỹ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tưởng nhớ ngày Thương binh liệt sỹ

VTV.vn - Hôm nay (13/7), nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, thăm và tặng quà gia đình chính sách.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước