Tuần qua, TP.HCM vừa công bố 77 dự án bất động sản trên địa bàn đang thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại các ngân hàng. Trong khi đó, tại Hà Nội, thống kê từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết có 26 dự án bất động sản trong tổng số hơn 300 dự án thế chấp vay vốn ngân hàng.
Việc công bố của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM về việc các doanh nghiệp thế chấp bất động sản là chủ trương tốt nhằm minh bạch hóa thông tin bất động sản. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã có phản ứng khi cho rằng thông tin trong những bản báo cáo trên là chưa đầy đủ, gây tâm lý hoang mang không đáng có cho người mua nhà, cũng như ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Vậy, nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, các công bố vừa qua đã thực sự chính xác hay chưa?
Chia sẻ quan điểm về những bản báo cáo này, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu: “Tôi cho rằng để được ngân hàng cho vay, các doanh nghiệp này đã được thẩm định rất kỹ càng. Thông thường, các doanh nghiệp bất động sản cần nguồn vốn lớn, chính vì vậy, việc huy động vốn từ ngân hàng là chuyện rất bình thường. Doanh nghiệp có thể thế chấp cả dự án hoặc thế chấp từng phần. Trong quá trình thực hiện dự án, họ có thể giải chấp từng phần hoặc giải chấp tất cả.
Sau khi những thông tin về việc thế chấp tài sản được công bố, nhiều doanh nghiệp đã phản biện về tính chính xác của bản báo cáo. Có thể thấy, định hướng và mục đích của việc minh bạch thông tin bất động sản là tốt. Tuy nhiên, cần xem xét lại cách thực hiện để tránh gây ra những hiểu nhầm cho doanh nghiệp cũng như khách hàng”.
Cùng tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này qua video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!