Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lần đầu tiên công bố danh sách 77 dự án đang được thế chấp ngân hàng trên tổng số 600 dự án đang được triển khai. Còn theo Văn phòng đăng ký đất đai của thành phố Hà Nội, nơi đây hiện có khoảng 26 dự án bất động sản đang được thế chấp và có đăng ký thông tin giao dịch qua hệ thống cơ sở của thành phố, trên tổng số 300 dự án đang được triển khai.
Qua thống kê của Bộ Xây dựng hiện có hơn 70% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản là vốn vay ngân hàng. Nhưng số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng như TP.HCM chỉ cho thấy có khoảng 10% số dự án được công khai tình trạng là đang bị thế chấp. Vì thế, theo các chuyên gia, con số này mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” trong các hoạt động vay vốn, thế chấp của thị trường bất động sản hiện nay.
Luật sư Trương Thanh Đức - thành viên của Công ty Luật Basico cũng đồng tình với ý kiến của các chuyên gia. Ông cho rằng: "Chính số liệu của Bộ Xây Dựng đã cho thấy con số 70% tức là gần như 100% dự án sẽ thế chấp ngân hàng, bởi phần còn lại chỉ là phần vốn tự có".
Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức cho biết cần phân định rõ bởi thế chấp có nhiều dạng khác nhau như thế chấp đăng ký ở Sở Tài nguyên và Môi trường, thế chấp đăng ký ở Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp. Ông cho biết: "Nếu đăng ký ở Sở Tài nguyên và Môi trường thì hồ sơ đã rất bài bản, đầy đủ, hoàn toàn yên tâm về thủ tục pháp lý. Do đó, việc ngân hàng cho vay vốn và chủ đầu tư đi vay vốn là hoàn toàn bình thường".
Luật sư cũng chỉ ra rõ, những trường hợp người mua nhà đã được cấp sổ đỏ hay thanh toán toàn bộ số tiền theo luật nhà ở và có quyền sở hữu, nhận bàn giao nhà ở thì đều có quyền yên tâm. Trong khi đó, trường hợp người mua nhà chưa bàn giao nhà, thanh toán hết hay đang trong quá trình giao dịch, quá trình xây dựng mà không được công khai thông tin thì có thể sẽ có những rủi ro nhất định về tiến độ, về tài sản bị thế chấp.
"Ngân hàng xử lý tài sản thế chấp đó trước sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà. Nhưng nếu người mua nhà đảm bảo được là có bảo lãnh của ngân hàng hoặc có giải chấp khi đã có thế chấp hoặc đã thanh toán qua ngân hàng thì độ yên tâm vẫn rất cao. Còn nếu không có điều kiện đó, họ sẽ bị xem xét kỹ hơn về năng lực tài chính, về việc dự án đang bị nợ nần hay vướng mắc gì", luật sư Thanh Đức khẳng định.
Để lắng nghe những nhận định, phân tích cụ thể của luật sư Trương Thanh Đức, quý vị theo dõi qua video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.