Trong Đại hội Đảng XII, lần đầu tiên, kinh tế tư nhân đã được nhắc đến là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Khối kinh tế tư nhân với khoảng 500.000 doanh nghiệp đang tạo ra 1,2 triệu việc làm, đóng góp trên 40% tổng GDP Việt Nam mỗi năm.
Việc Đại hội Đảng XII đặt nặng vai trò của kinh tế tư nhân được xem là một điểm quan trọng trong đổi mới thể chế kinh tế đất nước cũng như trong quan điểm phát triển kinh tế của Việt Nam.
“Trước đây, Việt Nam chỉ thừa nhận thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa dưới hai hình thức là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Trong thời gian này, kinh tế tư nhân hầu như không tồn tại. Như vậy, vô tình, chúng ta đã bỏ phí một nguồn lực rất lớn. Vì lẽ đó, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển khá chậm chạp và không hiệu quả.
Chỉ đến khi Đại hội Đảng VI đưa ra khái niệm kinh tế nhiều thành phần, tức là thừa nhận thành phần kinh tế tư nhân, Việt Nam đã phá vỡ được một rào cản trong tư tưởng, quan điểm phát triển. Mặc dù coi kinh tế tư nhân là một thành phần quan trọng nhưng thực tế, Việt Nam vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước”, TS Trần Bình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – chia sẻ.
Theo ông Trần Bình Thiên, mỗi lực lượng kinh tế đều có những chức năng riêng. Bởi vậy, mỗi lực lượng đều quan trọng theo chức năng riêng đó. Sự lớn lên của khu vực kinh tế tư nhân không có nghĩa vai trò của kinh tế nhà nước bị thu hẹp dần.
“Kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân cần phối hợp với nhau để quá trình phát triển thêm hiệu quả. Nếu không làm được điều này, sự phân biệt đối xử giữa hai thành phần này chỉ làm cho nền kinh tế trở nên méo mó”, ông nói.
Để tìm hiểu sâu hơn vai trò của kinh tế tư nhân trong đổi mới thể chế kinh tế thời kỳ hội nhập sâu rộng, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.