Đại biểu quan tâm đến cải cách thể chế kinh tế và thực hiện các khâu đột phá

Quang Anh (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 22/01/2016 20:03 GMT+7

Các đại biểu dự Đại hội XII. (Ảnh: VOV)

VTV.vn - Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đến các giải pháp về kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá chiến lược.

Thảo luận về các văn kiện trình Đại hội ngày hôm nay (22/01), nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đến các giải pháp về kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá chiến lược và phát triển bền vững được đề cao trong các văn kiện.

Dẫn chứng những thành quả không thể phủ nhận của 30 năm Đổi mới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc đổi mới, đó là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, làm thay đổi căn bản cuộc sống của người dân và đưa đất nước phát triển cụ thể từ 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng 4 lần, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ trên 50% xuống còn dưới 5%. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng cho rằng thực tế, hiện Việt Nam vẫn là một nước nghèo và nhằm tránh cho nền kinh tế Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp thiết trong giai đoạn tới.

Về đổi mới thể chế kinh tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh đến 3 trụ cột: thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững môi trường; thực hiện công bằng và hội nhập xã hội hay còn gọi là bình đẳng cho mọi người; nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Bộ trưởng cũng đồng thời nhấn mạnh đến việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, coi sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe nền kinh tế. Trước mắt phải nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiết kiệm vốn, đất đai, tài nguyên, thông tin hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tạo làn sóng khởi nghiệm mạnh mẽ, phải tạo vị thế doanh nghiệp là vị thế quốc gia.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng chỉ ra rằng năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém trong phát triển khu vực tư nhân do Nhà nước thiếu hiệu quả, do điều kiện lịch sử Việt Nam, những thiết chế công bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún, thiếu sự giám sát của người dân. Mặc dù, Nhà nước của dân, do dân, vì dân, dân biết, dân làm, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là những điều khẳng định rõ trong Hiến pháp nhưng thực tế vẫn còn tồn tại khoảng cách này với thực tiễn tham gia của công dân trong quản trị Nhà nước.

Cùng với những yêu cầu về đổi mới thể chế kinh tế, thực hiện những khâu đột phá trong đó, "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn" là một trong 3 đột phá chiến lược đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và thực hiện thành công trong những năm qua. Theo tham luận của đồng chí Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, kể cả những nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại những đột phá mạnh mẽ trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong nhiệm kỳ qua.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, mới đây báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới đã cho thấy mức hữu dụng và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng 36 bậc lên vị trí 67, tốc độ phát triển của thị trường logistics ở Việt Nam trung bình đạt từ 16 - 20%. Dù đã đạt được những thành quả quan trọng trong phát triển đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy, đường hàng không trong nhiệm kỳ qua, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu hoàn thành các tuyến cao tốc đang xây dựng, có trên 2.000km đường bộ cao tốc, nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế, tiếp tục đầu tư hệ thống cảng biển quốc gia.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh trong thời gian tới, cần sử dụng nguồn lực hợp lý hiệu quả, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải, thông qua rà soát điều chỉnh các chiến lược phát triển ngành, đảm bảo tính khả thi, đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng phối hợp để các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn trong huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, đẩy mạnh kiểm tra giám sát, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Nhận thức một quốc gia hiện đại phát triển ở trình độ cao trước hết phải có một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, thuận lợi hiệu quả và an toàn, Bộ trưởng Đinh La Thăng trông đợi các Nghị quyết quan trọng của đại hội và Ban chấp hành Trung ương khóa XII tiếp tục tạo động lực lớn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới, việc thể hiện những quan tâm, định hướng của Trung ương tới nhiệm vụ này trong Nghị quyết được coi là động lực để hoàn thành những các mục tiêu, tiếp tục góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Cũng đề cập đến 3 đột phá chiến lược được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại Đại hội XI của Đảng, trong bài tham luận trước đại hội hôm nay, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh yêu cầu đổi mới hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết đổi mới toàn diện hệ thống y tế và cơ chế về tài chính y tế theo hướng giá dịch vụ gắn liền với bảo hiểm y tế toàn dân là bước đột phá của ngành là điều kiện then chốt thực hiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực y tế. Bộ Y tế cũng đã tham mưu để ban hành các chính sách cho y tế tư nhân phát triển, khuyến khích cơ chế kết hợp công - tư, tăng nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế thực hiện chế độ tự chủ có thể vay vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Việc đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng y tế để nâng cao năng lực hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân cùng với khoa học công nghệ cũng được coi là những đột phá trong nhiệm kỳ vừa qua.

Việt Nam là một trong 39 nước làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine, tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng 11/12 loại vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Dù vậy, trong thời gian tới, với những thách thức như biến đổi khí hậu khiến nhiều bệnh dịch mới nổi, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, đầu tư còn khiêm tốn so với nhu cầu, Bộ Y tế có những đề xuất xem xét ban hành Nghị quyết về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao sức khỏe dân số trong tình hình mới, bố trí nguồn trái phiếu trung hạn, xem xét chế độ phụ trách thâm niên và lương khởi điểm cho phù hợp với ngành Y tế, quan tâm đầu tư cho y tế, đặc biệt là cấp cơ sở, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Liên quan đến con đường Đảng và nhân dân Việt Nam đang lựa chọn, trong bài tham luận của mình, đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định thực tiễn 30 năm đổi mới đã đem lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều thành tựu quan trọng và bài học quý. Tuy nhiên, thực tiễn hiện tại cũng còn hàng loạt vấn đề đang được đặt ra đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải thường xuyên nắm bắt và giải quyết.

Đồng chí Tạ Ngọc Tấn khẳng định sự phát triển của đất nước trong điều kiện hiện nay hơn lúc nào hết đòi hỏi phải có một mô hình Chủ nghĩa xã hội của riêng Việt Nam, vừa phản ánh những giá trị phổ quát của Chủ nghĩa xã hội, vừa phản ánh những đặc điểm đặc thù của Việt Nam được thể hiện bằng những đặc trưng bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, các phương hướng cơ bản để hiện thực hóa đặc trưng, các giải pháp, cách thức tiến hành mang ý nghĩa đột phá. Phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải được phản ánh trong các mục tiêu chiến lược: mục tiêu chung của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và mục tiêu đặc thù khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gắn với mục tiêu của từng chặng đường, của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước