Vào lúc này nước đã rút ở Phú Quốc và Đà Lạt. Cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường. Nhưng trận ngập lụt vừa qua đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân và du khách. Một hòn đảo giữa biển như Phú Quốc, một thành phố có địa hình dốc dễ thoát nước như Đà Lạt vẫn có thể ngập lụt nghiêm trọng. Ngoài yếu tố thời tiết thì còn có nhiều lý do khác đã gây ra. Trong đó, một phần do hậu qua của việc phá rừng làm nhà kính để phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng thiếu quy hoạch, tính toán kĩ lưỡng.
Chỉ tính tại thành phố Đà Lạt, năm 1978, có 30 ngàn ha rừng thông thì nay chỉ còn khoảng 14 ngàn ha. Nghĩa là chỉ trong vòng 40 năm qua, diện tích rừng thông ở Đà Lạt đã giảm đến hơn một nửa, nhường chỗ cho xây dựng nhà ở và đất sản xuất. Trên đất sản xuất đó, hầu như nông dân nào cũng làm nhà kính bởi một lý do chung: không có nhà kính không thể canh tác.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng đợt lũ lụt vừa qua đã làm tan hoang nhiều khu nhà kính ở Lâm Đồng là kết cục từ việc đánh đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với ồ ạt làm nhà kính, gây tổn hại thiên nhiên. Điều đáng nói, tốc độ phát triển nhà kính, tốc độ mất rừng ở đây vẫn chưa dừng lại. Lũ lụt bất thường sẽ đến lúc trở nên thường xuyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!