Một tháng kể từ khí có quyết định đóng cửa rừng cả Thủ tướng Chính phủ, các vụ phá rừng lấy gỗ quý đã liên tiếp bị phát hiện. Tại nhiều tỉnh như Quảng Nam, Đăk Lăk hay Kom Tum, các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn những vụ "xẻ thịt" gỗ rừng trái phép, ví dụ như tại Quảng Nam, chỉ sau 1 tuần triển khai, gần 20 vụ vận chuyển lâm sản trái phép đã bị ngăn chặn. Các chuyện miền núi của Quảng Nam cũng đang đồng loạt điều tra các dự án trá hình gây ảnh hưởng đến rừng, đặc biệt là các dự án chuyển đổi rừng để trồng cao su hay phát triển trang trại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy gỗ quý vẫn tìm mọi cách để chạy về xuôi, gần đây nhất là vụ phá rừng Pơ mu ở khu vực biên giới huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Câu hỏi dư luận đặt ra là lâm tặc quá thông minh khi giấu gỗ ở nơi không ai ngờ hay có sự tiếp tay của lực lượng chức năng?
Theo PGS.TS Bùi Thị An – Nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, vụ việc phá rừng Pơ mu ở Quảng Nam chắc chắn có sự tiếp tay của lực lượng chức năng. "Nếu không có sự tiếp tay thì không thể có chuyện gỗ bị chặt phá mà không bị phát hiện được. Trước đây, chúng ta đã có một số vụ có hiện tượng tiếp tay nhưng vì xử lý không nghiêm nên cứ lặp đi lặp lại và giờ lại tiếp diễn", PGS.TS Bùi Thị An cho biết.
"Một nguyên nhân khác khiến rừng vẫn bị phá là do hiện tượng chuyển đổi rừng sang mục đích sử dụng khác" - PGS.TS Bùi Thị An phân tích - "Tôi nghĩ sự chuyển đổi này không thực sự đúng với thực trạng. Rừng bị chuyển đổi không phải rừng nghèo và khi sang rừng kinh doanh lại không hiệu quả. Chính những người kinh doanh này đã lợi dụng khai thác vốn quý của rừng làm cho rừng càng bị tàn phá hơn. Do đó, việc ra lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ là quyết định đúng trong tình huống hiện nay, nếu không rừng sẽ cạn kiệt ngay lập tức. Tuy nhiên, đó chưa phải nguyên nhân chính, còn có những nguyên nhân khác như quản lý, khai thác thiếu bền vững rừng"..
PGS.TS Bùi Thị An cho rằng rừng Việt Nam có chủ nhưng lại như vô chủ: "Một trong những lý do khiến quản lý rừng không tốt là vì không rõ ràng chủ là ai, phải có giấy tờ, ranh giới rõ ràng mới có thể quản lý rừng tốt. Hiện chúng ta giao cho quá nhiều nông – lâm trường đã gây ra quản lý không hiệu quả, rừng bị tàn phá".
Đồng quan điểm với PGS.TS Bùi Thị An, GS.TS Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng để bảo vệ rừng, giúp người dân phải được sống bằng rừng, cần kết hợp nhiều yếu tố như pháp luật, quản lý của cơ quan chức năng và hỗ trợ từ cộng đồng.
"Chúng ta sẽ giữ được rừng nếu nghiêm minh về luật pháp, phát động phong trào từ cộng đồng, bên cạnh quản lý của Nhà nước", GS.TS Đặng Huy Huỳnh khẳng định.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận qua video trên đây.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!