Sức ỳ của bộ máy Nhà nước: Khi lệnh cấp trên mất thiêng?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/02/2017 12:40 GMT+7

VTV.vn - Những hiện tượng như công chức bỏ việc cùng nhau đi lễ, tiệc tùng hay xe công đậu cửa chùa... có thể coi như biểu của căn bệnh mãn tính trên bảo dưới không nghe.

Năm 2017 đã được bắt đầu với một thông điệp khá mạnh mẽ do người đứng đầu Chính phủ gửi tới đội ngũ công chức. Đó là khẩn trương tập trung xử lý ngay công việc sau những ngày nghỉ Tết, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Thông điệp này không phải mới nhưng thể hiện một sự lo ngại chưa bao giờ cũ, đó là khi cả thế giới đang trong guồng quanh chuyển động cạnh tranh không ngừng thì ở Việt Nam, đầu xuân chính là thời điểm thể hiện rõ nhất những bánh răng rệu rã trong bộ máy.

Công điện của Chính phủ còn cho thấy một sự thúc giục, đó là dừng chúc tụng, dừng hội hè và bắt tay ngay vào làm việc. Song những điều báo chí và dư luận ghi nhận được trong thời gian qua như công chức bỏ việc cùng nhau đi lễ, tiệc tùng hay xe công đậu cửa chùa... đã cho thấy sự thách thức trong sức ỳ của bộ máy Nhà nước. Đó cũng là biểu hiện của căn bệnh mãn tính trên bảo dưới không nghe hoặc nghe nhưng không làm.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Đỗ Thanhh Huyền - Chuyên gia về Chính sách công, UNDP cho biết: "Điều đầu tiên cần nói ở đây là hiện tượng trên bảo dưới không nghe. Đó là vấn đề về kỷ cương công vụ. Khi không thực hiện một cách đầy đủ, không có người giám sát thực hiện cũng như không có chế tài để nắn, uốn tất cả hành động như vậy thì như ở năm nay lại lặp lại những hiện tượng như năm ngoái".

"Đối với khái niệm chung về tham nhũng, việc ăn cắp thời gian công vụ cũng là hành vi tham nhũng trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đó cũng là một trong những khía cạnh mà có lẽ tinh thần quyết liệt trong Nghị quyết 100 của Chính phủ gần đây cần phải triển khai trên thực tế thì mới có tính răn đe. Vì rõ ràng, việc mất thiêng của những quyết định từ người đứng đầu Chính phủ dường như đang tồn tại".

Đồng tình với quan điểm của bà Đỗ Thanh Huyền, ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan để dẫn tới việc sức ỳ trong bộ máy Nhà nước còn tồn tại.

"Việc thể hiện quyết tâm của lãnh đạo đã rất rõ, việc giao trách nhiệm cho những cá nhân liên quan cũng cụ thể, không phải không có cơ chế thực hiện nhưng có vài lý do dẫn đến hiện tượng sức ỳ trong bộ máy còn tồn tại. Lý do khách quan ở đây là bệnh nhờn luật, không tôn trọng kỷ cương đã trở thành bệnh thâm căn cố đế hàng chục năm nay. Đó như là một căn bệnh kinh niên. Tất nhiên, với căn bệnh như vậy, chúng ta cần có thời gian, công sức, cách làm và cả sự vào cuộc của hệ thống chính trị và nhân dân".

"Thứ hai là quy định về đôn đốc kiểm tra, giám sát hiện chưa cụ thể. Một thức tế là tinh thần ở cấp trên thì 10 nhưng đôi khi xuống cấp dưới chỉ còn 7 hay 5, thậm chí còn có 3 cũng tồn tại nhiều hiện nay" - ông Ngọ Duy Hiểu bổ sung - "Ở một khía cạnh khác, văn hóa làng xã hay văn hóa nền hành chính quan liêu trước đây vẫn còn bám sâu vào tư duy của nhiều cán bộ công chức. Nếu họ cho rằng mình làm công chức để phục vụ nhân dân, ăn lương do người dân trả qua viêc nộp thuế thì việc chúng ta vượt qua những quy định này rất đơn giản".

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước