Bệnh khớp gối - Chớ coi thường!

Nguyệt Ánh, icon
03:47 ngày 29/05/2013

  Khớp gối là khớp lớn của cơ thể nên khi có những biểu hiện bệnh cần được điều trị đúng và kịp thời. Nếu không cẩn trọng trong quá trình điều trị, các bệnh khớp gối có thể ảnh hưởng lớn đến vận động và sinh hoạt hàng ngày.

Khớp gối là khớp đa dụng nhất của cơ thể, gần như trong mọi hình thức vận động, đều liên quan tới sự vận động của khớp gối. Tuy nhiên, các căn bệnh liên quan tới khớp gối còn chưa được nhiều người quan tâm. Khớp gối tập trung khối lượng mạch máu nhiều và trở thành điểm quy tụ của nhiều bệnh lý, như thấp khớp hoặc viêm khớp.

Trong số người đến khám chuyên khoa xương khớp của bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, có rất đông bệnh nhân bị bệnh lý liên quan đến khớp gối. Tình trạng chung là thường phát hiện muộn hoặc đã được bác sĩ cho hướng điều trị nhưng chủ quan, không tuân theo nên nhiều bệnh nhân vẫn bị đau trở lại, gây trở ngại trong sinh hoạt.

PGS.TS. Ngô Văn Toàn, Phó viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Việt Đức, Hà Nội cho biết: “Một số bệnh nhân khớp gối lại đi chữa thầy lang, nhiều người lại đi cúng… Có nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị Tây y đã được được bó bột sau mổ thì khi về nhà lại tháo ra để đắp lá. Rất nhiều cách điều trị khác nhau, từ hiện đại đến cổ truyền, từ cách khoa học đến thực sự không khoa học được người dân sử dụng mà không có những hiểu biết sâu. Theo quan điểm của tôi, khớp gối là khớp quan trọng, cần phải được thăm khám phát hiện sớm, cần được chữa trị bởi những bác sĩ thực sự chuyên ngành”.

‘ Đau khớp gối do thoái hóa (Ảnh minh họa)


Bên cạnh việc thoái hóa khớp sau sang chấn, bệnh lý thoái hóa khớp gối còn là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Viêm khớp là khi cả phần mềm, sụn, dây chằng thoái hóa dẫn đến khớp vận hành kém, phần mềm bị biến dạng gây đau, thậm chí không vận động cũng đau.

Đối với trẻ em, bệnh lý khớp gối thường là các bệnh thấp như thấp khớp, thấp tim, viêm đa khớp mạn tính tiến triển... Một trong những nguyên nhân là do khí hậu ẩm, nồm, độ ẩm cao. Thấp khớp có nguy cơ biến chứng sang các cơ quan khác, điển hình là tim nên trong điều trị cần phối hợp nhiều chuyên khoa.

PGS.TS. Ngô Văn Toàn cho biết thêm: “Nếu các bệnh nhân có bệnh khớp đặc biệt là các cháu nhỏ cần phải được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa nhi về tim mạch, đồng thời phối hợp với các bác sĩ chỉnh hình nhi để điều trị khớp và ngăn ngừa những biến chứng về tim mạch đối với trẻ em.

Những bệnh lý khớp khác của người cao tuổi như bệnh lý viêm đa khớp, người bệnh cần tới các bác sĩ chuyên khoa xương khớp nội khoa hoặc các bác sĩ chấn thương chỉnh hình.

‘ Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân cần có chế độ luyện tập tích cực để tránh sự biến dạng khớp gối. (Ảnh minh họa)

Bệnh nhân bị viêm nhiễm về khớp có trường hợp không đòi hỏi phải phẫu thuật nhưng phục hồi chức năng là rất quan trọng. Khi đau khớp, tư thế của người bệnh sẽ là tư thế giảm đau, chống đau, co gấp lại. Tuy nhiên, nếu không vận động, chỉ cần 2 – 3 tuần tay chân sẽ bị co gấp không bình thường dẫn tới người bệnh đi lại khó khăn. Kèm với việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng cần phải tập luyện sao cho đầu gối có thể duỗi, gấp, cơ lực khỏe… do đó, công tác phục hồi chức năng là rất cần thiết.

Đặc biệt lưu ý, với những bệnh nhân điều trị về xương khớp nhất thiết cần phải có sự hỗ trợ của quá trình phục hồi chức năng và được hướng dẫn theo một quy trình do bác sĩ thiết lập. Bệnh nhân phải vận động để lấy lại biên độ của khớp gối, tránh bị đứt dây chằng hoặc trật khớp trở lại. Việc phẫu thuật luôn phải đi đôi với phục hồi chức năng mới cho kết quả điều trị tốt.

Mời quý vị và các bạn tìm hiểu thêm về bệnh lý khớp gối trong chương trình Cuộc sống thường ngày - Chuyên mục Sống khỏe TẠI ĐÂY.

Cùng chuyên mục