Biến chứng nhập viện sau khi tiêm thuốc tại phòng khám tư

Văn Thành, icon
05:41 ngày 26/11/2021

VTV.vn - Thời gian gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp biến chứng nặng nề từ việc không tuân thủ chuyên môn, tiêm thuốc tại các cơ sở tư nhân.

Bệnh nhân bị áp xe lớn ở vai sau khi tiêm thuốc ở phòng khám tư. Ảnh: BVCC

Điển hình là trường hợp người bệnh L.T.T.M. (52 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với chẩn đoán áp xe lớn vai vùng lưng.

Bệnh nhân cho biết: Bản thân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ từ lâu, đã đi thăm khám và dùng thuốc nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Một tháng trước, được người quen mách bảo, bệnh nhân đến khám tại phòng khám tư và được tiêm K cort (một loại corticoid) vào vùng sau gáy. Sau tiêm, bệnh nhân cảm thấy vùng vai, lưng bên trái sưng đau kèm sốt.

Các bác sĩ đã thăm khám và chẩn đoán áp xe vùng vai lưng trái. Trên phim chụp cộng hưởng từ thấy khối áp xe lớn kích thước 129x139x47 cm chiếm toàn bộ phần mềm vai lưng bên trái chưa vỡ mủ. Cột sống cổ có hẹp ống sống, phù tủy ngang mức C5/C6 thoái hóa cột sống cổ.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật mở rộng dẫn lưu mủ, cắt lọc lấy tổ chức hoại tử, rửa sạch vết thương, để hở. Hiện tại, sau 20 ngày phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và đang chờ khép da thì sau.

Biến chứng nhập viện sau khi tiêm thuốc tại phòng khám tư - Ảnh 1.

Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm sau khi tiêm thuốc tại phòng khám tư nhân. Ảnh: BVCC

Một trường hợp khác là bệnh nhân T.X.B. (nam, 26 tuổi, trú tại Hải Phòng), đã bị đau ở vùng lưng một thời gian, bệnh nhân đến khám bác sĩ tư và được bác sĩ tư vấn để tiêm thuốc vào mông (K cort).

Sau tiêm được 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau sưng mông chỗ tiêm. Bệnh nhân vào viện cấp cứu được các bác sĩ khám và chẩn đoán theo dõi áp xe mông sau tiêm.

Kết quả chụp phim cộng hưởng từ cho thấy nằm trong cơ mông bên phải của bệnh nhân là các ổ dịch có vỏ ngấm thuốc sau tiêm kích thước 123x56x147mm, nhiều vách ngăn. Ngoài ra, trong cơ vuông đùi và cơ bịt trong bên phải cũng có 2 ổ tổn thương tương tự kích thước 44 x 50mm kèm theo tràn dịch khớp háng phải dày 9mm.

Bệnh nhân được các bác sĩ chọc hút dẫn lưu mủ dưới siêu âm bằng ống dẫn lưu tại chỗ số 10F. Mủ trắng đục được gửi xét nghiệm vi sinh. Kết quả xét nghiệm là Staphylococcus aureus (MRSA), một loại tụ cầu vàng nguy hiểm còn được gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc.

Cả 2 bệnh nhân hiện đang được điều trị tại Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương.

Đánh giá về 2 ca bệnh này, PGS.TS Nguyễn Đức Chính, nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần gặp những ca bệnh biến chứng áp xe do tiêm tại các bệnh viện tư. Nhưng lần này, cả 2 bệnh nhân cùng vào một lúc nên cần xem xét lại y tế tư nhân. Việc chỉ định tiêm thuốc bừa bãi, cả 2 ca bệnh đều không đúng chỉ định tiêm thuốc. Bệnh nhân M. hiện tổn thương hẹp ống sống, phù tủy, thoái hóa đốt sống cổ cần khám bác sĩ chuyên khoa cột sống để có tư vấn điều trị phù hợp. Bệnh nhân B. có khả năng do co cơ, đau lưng do vận động, sai tư thế".

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính, biến chứng nhiễm khuẩn dẫn đến áp xe ở các bệnh nhân có thể liên quan đến việc vô khuẩn tại cơ sở khám bệnh tư chưa tốt. Bệnh nhân B. nhiễm một loại vi khuẩn kháng với các kháng sinh thường sử dụng. Hiện nay, MRSA đang gia tăng về tần suất và hiện hữu ở nhiều cơ sở y tế và cộng đồng. Nhiễm MRSA luôn là một thách thức trong điều trị.

Nếu các trường hợp áp xe này không được mổ rạch tháo mủ, áp xe có thể tự vỡ và rò mủ kéo dài, hoặc có thể gây những biến chứng tại chỗ như viêm bạch mạch cấp tính, viêm hạch mủ hay những biến chứng toàn thân như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn mủ huyết có thể đưa đến tử vong. Qua hai trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Đức Chính khuyến cáo: Người dân nên đi khám bệnh tại các cơ sở y tế có uy tín tránh những biến chứng không đáng có.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục