Bộ Y tế phản hồi về việc ban hành quy chuẩn sữa học đường

P.V, icon
12:38 ngày 15/08/2019

VTV.vn - Liên quan tới những phản ánh về việc sau 4 năm phát động, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành một quy chuẩn về sữa học đường, sáng nay, đại diện Bộ Y tế có thông tin chính thức.

Liên quan đến câu chuyện này, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế đã chính thức thông tin với phóng viên Y tế 24h về những vấn đề dư luận băn khoăn.

Bộ Y tế phản hồi về việc ban hành quy chuẩn sữa học đường - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế.

- Thưa ông, trong thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập việc Bộ Y tế chậm trễ trong ban hành quy chuẩn sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân băn khoăn lựa chọn sản phẩm cho các cháu sử dụng khi năm học mới sắp bắt đầu. Ý kiến của Ông về việc này như thế nào?

- Sau khi Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Sữa học đường ngày 8/7/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số: 5450/QĐ-BYT về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình Sữa học đường tại địa phương. Đồng thời, cá nhân Bộ trưởng Bộ Y tế ký không dưới 3 công văn đề nghị các tỉnh triển khai thực hiện. Trong đó Bộ Y tế nhấn mạnh: 

1. Về nguyên liệu: Phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số: 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế. Việc tổ chức đấu thầu lựa chọn sản phẩm phục vụ chương trình thuộc về các địa phương, tuy nhiên cần công khai, minh bạch theo đúng các quy định trên. 

2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm tham gia Chương trình Sữa học đường. 

3. Tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể triển khai thí điểm hoặc toàn tỉnh; chú ý ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng.

Đến hiện tại, qua công tác giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của các địa phương có 15 tỉnh đã và đang triển khai chương trình. Đặc biệt có tỉnh rất khó khăn như Sơn La vẫn dành kinh phí của địa phương ưu tiên triển khai chương trình.

Như vậy có thể khẳng định với việc ban hành Quyết định 5450/QĐ-BYT và các hướng dẫn mà Bộ Y tế đã gửi địa phương triển khai, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các tỉnh/thành phố, sự vào cuộc và ủng hộ của các doanh nghiệp cũng như người dân, nhiều địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai chương trình hiệu quả.

Trong khi Bộ Y tế chưa ban hành quy định mới, đề nghị các địa phương vẫn tiếp tục triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành như trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, tôi cũng xin khẳng định lại Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình không phải ban hành quy chuẩn (Thế giới và Việt Nam đều không có quy chuẩn sữa tươi). Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT) và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450 như đã đề cập.

Bộ Y tế phản hồi về việc ban hành quy chuẩn sữa học đường - Ảnh 2.

- Hiện nhiều doanh nghiệp và người dân còn đang băn khoăn về việc bổ sung các loại vi chất trong sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình. Xin ông cho biết ý kiến của Bộ Y tế về việc này?

Việc bổ sung vi chất cần có cơ sở khoa học, đảm bảo tính thực tiễn, tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế và quan trọng hơn cả phải hướng tới thực hiện chỉ tiêu trong Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Đáp ứng thêm 30% nhu cầu sắt, vitamin D, canxi của trẻ em mẫu giáo, tiểu học vào năm 2020. Bên cạnh đấy, cũng cần xem xét lựa chọn phương án giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí người dân và đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia cung cấp sản phẩm phục vụ chương trình.

Mục đích cao nhất mà Bộ Y tế hướng tới là các cháu được sử dụng sản phẩm tốt nhất, tình trạng dinh dưỡng cũng như tầm vóc thể lực của các cháu được cải thiện theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế phản hồi về việc ban hành quy chuẩn sữa học đường - Ảnh 3.

- Ông có thể cho người dân cả nước biết về chủ trương của Bộ Y tế trong việc duy trì, mở rộng và đảm bảo hiệu quả của một Chương trình có ý nghĩa nhân văn cao cả như chương trình sữa học đường?

Thực tiễn triển khai Chương trình Sữa học đường ở một số quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan... sau 5 năm triển khai đã giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng, tăng chiều cao của trẻ em. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho rằng đây là chương trình rất có hiệu quả cả về an sinh xã hội cũng như cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, đặc biệt là trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy khi kết thức chương trình, Bộ Y tế dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ giao UBND các tỉnh/thành phố tiếp tục triển khai chương trình như là nhiệm vụ thường xuyên. Bộ Y tế cũng mong muốn các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và toàn thể cộng đồng tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong chương trình nhân văn cao cả này. Tất cả vì trẻ em Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục