Chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân alzheimer

P.V, icon
06:41 ngày 27/08/2019

VTV.vn - Tại Việt Nam, có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ và xu hướng đang ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 5% dân số Việt Nam.

Hình minh họa.

Bệnh sa sút trí tuệ nói chung và bệnh alzheimer nói riêng hiện nay là một trong những mối quan tâm hàng đầu của những chuyên gia. Bởi khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số người mắc bệnh này ngày càng nhiều.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, ngày nào cũng tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân đến khám vì có biểu hiện sa sút trí tuệ. Đối tượng mắc thường trên 60 tuổi. Đáng nói, hầu hết các trường hợp nhập viện đều ở giai đoạn muộn.

Người bệnh sa sút trí tuệ sẽ mất dần các kiến thức và kỹ năng đúng trong các hoạt động sinh hoạt cơ bản hàng ngày: ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ… Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác đi kèm hoặc khó khăn trong phối hợp kiểm soát các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp… (là những chứng bệnh vốn hay có ở người cao tuổi). Vì vậy, xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý kết hợp với những động tác vận động vừa phải, phù hợp sẽ góp phần kiểm soát các bệnh lý nền trên bệnh nhân alzheimer.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho những bệnh nhân này là các loại thực phẩm dễ tiêu được chế biến mềm, nhừ, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày… Đặc biệt chú ý tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ, giàu canxi và vitamin; uống đủ nước (khoảng 40ml/kg cân nặng) mỗi ngày, hạn chế muối trong khẩu phần ăn…

Bên cạnh đó, việc gìn giữ sức khỏe tốt là điều cần thiết để giúp bộ não hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn, kiểm soát huyết áp kỹ lưỡng, kiểm soát đường và cholesterol trong máu, không hút thuốc lá, uống các thuốc đa sinh tố và thuốc chống oxy hóa, tập thể dục thường xuyên và giữ tinh thần ổn định thoải mái là những phương cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh lý sa sút trí tuệ.

Các triệu chứng sớm của sa sút trí tuệ rất khó nhận biết, nhưng nếu bạn nghi ngờ mình hay người thân có những dấu hiệu của sa sút trí tuệ thì nên đến các cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa tham vấn. Đừng nghĩ đó là các dấu hiệu bình thường rồi để bệnh tiến triển nặng thêm. Chẩn đoán sớm sa sút trí tuệ là một bước quan trọng để có các biện pháp phòng ngừa và điều trị hợp lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục