Chế độ ăn cho bệnh nhân rối loạn lipid máu trong những ngày Tết

Văn Thành, icon
08:29 ngày 10/02/2021

VTV.vn - Trong ngày Tết, những bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid máu cần có một chế độ ăn phù hợp, cân đối về thành phần dinh dưỡng là rất quan trọng.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của ThS. Lê Thanh Hà, TS.BS. Ngô Thị Phượng Khoa Nội tiết (A14), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chỉ còn ít ngày nữa, cả nước sẽ bước vào dịp nghỉ lễ đón Tết cổ truyền dân tộc xuân Tân Sửu 2021. Những bữa cơm, tiệc tùng ngày Tết với rất nhiều đồ ăn giàu năng lượng, chất béo, chất đạm, tinh bột, ít chất xơ dẫn đến tăng nguy cơ mắc thừa cân, béo phì và đặc biệt bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu hay còn gọi là “tăng mỡ máu”.

Với những bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid máu, cần có một chế độ ăn phù hợp, cân đối về thành phần dinh dưỡng là rất quan trọng, giúp làm giảm lipid máu, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Dưới đây là một số nguyên tắc về việc lựa chọn thực phẩm và cách chế biến thức ăn cho những bệnh nhân rối loạn lipid máu:

Giảm lượng chất béo (lipid) ăn vào: Đây là nguyên tắc quan trọng nhất. Ở người bình thường khỏe mạnh lượng chất béo khẩu phần ăn vào chiếm từ 22 - 25% / tổng năng lượng, nhưng đối với bệnh nhân rối loạn lipid máu tỷ lệ này nên chỉ chiếm 15 - 20%. Chất béo trong thực phẩm được chia thành 2 dạng là chất béo bão hòa và chất béo chưa bão hòa.

Chất béo bão hòa hay còn gọi là “chất béo xấu” làm tăng cholesterol toàn phần, tryglycerid máu, LDL - cholesterol, loại chất béo này thường có nhiều trong một số thực phẩm như: thịt ba chỉ, mỡ động vật (mỡ lợn, mỡ bò…), thịt các loại gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng), các chế phẩm từ sữa (bơ, phô mát, kem, bánh kẹo, mứt…). Ngược lại, chất béo chưa bão hòa hay “chất béo tốt” giúp làm giảm cholesterol, tryglycerid, ngăn ngừa mảng xơ vữa, 2 dạng điển hình của “chất béo tốt” mà chúng ta nghe nhiều nhất đó là Omega 3 và Omega 6.

Các loại hải sản như: cá chích, cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá chép, cá trắm… là những thực phẩm giàu omega 3. Các cây họ đậu là nguồn giàu omega 6: đậu đen, đậu đỗ, đậu đỏ, đậu nành… ngoài ra một số loại dầu thực vật cũng giàu omega 6 (dầu mè, dầu vừng, dầu hướng dương…).

Trong mâm cỗ ngày tết thường có nhiều món chứa chất béo xấu như: móng giò nấu măng, giò xào, thịt mỡ nấu đông, thịt lợn ba chỉ luộc, thịt dăm bông… Vì vậy, cần hạn chế tối đa tiêu thụ những thực phẩm này.

Giảm lượng cholesterol khẩu phần: Ở người bình thường, lượng cholesterol ăn vào khuyến cáo từ 500 - 600 mg/ngày. Đối với bệnh nhân rối loạn lipid máu lượng choterol nên <300 mg/ngày, hạn chế ăn những thực phẩm giàu cholesterol như: phủ tạng động vật, đồ ăn nhanh, chiên, rán. Nhiều bệnh nhân quan niệm rối loạn lipid máu không nên ăn trứng, dẫn đến việc bệnh nhân kiêng hoặc thậm chí không bao giờ ăn trứng, quan điểm này hoàn toàn sai. Trong lòng đỏ trứng chứa nhiều cholesterol nhưng cũng có chất lecethin giúp hấp thu và chuyển hóa đến 60 - 70% lượng cholesterol này. Vì vậy, bệnh nhân rối loạn lipid máu vẫn có thể ăn được trứng, khuyến cáo của các Viện Dinh dưỡng nên ăn từ 3 - 4 quả/tuần.

Tăng cường chất xơ: Chất xơ trong rau củ, trái cây giúp làm chậm hấp thu lipid vào máu và giảm lipid máu. Ngoài ra, chất xơ khi vào dạ dày sẽ cùng với thức ăn được chuyển hóa sẽ làm tăng khối lượng phân chống táo bón.

Tăng cường thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất chống oxy hóa (A, C, E. kẽm…): Một số thực phẩm giàu vitamin A (các loại rau, hoa quả màu đỏ, xanh đậm: cà chua, cà rốt, ớt chuông đỏ, bí đỏ, rau dền, cải thảo, rau ngót, đu đủ, xoài, chuối…). Vitamin C có nhiều trong: các cây họ có múi (bưởi, cam, quýt), cần tây, rau mùi, dưa hấu.

Uống đủ nước: Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: Mỗi người nên uống 40 ml nước/kg/ngày (VD: 1 người 50 kg nên uống ~ 2 lít nước/ngày).

Hạn chế rượu bia, nước ngọt, thuốc lá: Ngày tết khó tránh được bia, rượu. Tuy nhiên, cần hạn chế tối đa bia rượu góp phần giảm nguy cơ gia tăng biến chứng với bệnh nhân rối loạn lipid máu: bệnh mạch vành, đột quỵ…

Cách chế biến thực phẩm: Nên lựa chọn những thực phẩm hấp, luộc. Tránh những thực phẩm đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu mỡ. Kết luận: Bệnh nhân rối loạn lipid máu cần tuân thủ nghiêm chế độ ăn, đặc biệt là vào những ngày tết có nhiều cuộc liên hoan với nhiều đồ ăn không tốt cho sức khỏe. Việc tuân thủ chế độ ăn và biết cách chọn món ăn góp phần giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các chỉ số như cholesterol, tryglicerid máu… hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục