Chế độ ăn uống hợp lý cho người bệnh gout trong những ngày Tết

Tuấn Bảo, icon
10:00 ngày 01/02/2022

VTV.vn - Bệnh gout có mối liên quan chặt chẽ với chế độ ăn, trong những ngày Tết, người bệnh gout hoặc có nguy cơ bị bệnh gout cần hết sức chú ý đến vấn đề dinh dưỡng và sinh hoạt.

Hình minh họa.

Những điều cần biết về bệnh gout

Theo thông tin chia sẻ của Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng, gout là bệnh khớp phổ biến, là bệnh lý chuyển hóa các nhân purin, có đặc điểm chính là tăng acid uric máu và ngày càng gia tăng.

Đặc trưng của bệnh gout là có những đợt viêm khớp cấp và có hiện tượng lắng đọng tinh thể natri urate trong các tổ chức. Các nghiên cứu đều cho thấy nhân purin trong thực phẩm ăn vào là nguyên nhân hàng đầu gây tăng acid uric. Bên cạnh các thức ăn có nhân purin, uống rượu bia cũng có vai trò quan trọng làm tăng acid uric máu và bùng phát cơn gout cấp. Nguy cơ mắc gout tăng lên theo mức độ uống rượu bia.

Bệnh gout có thể tiến triển mạn tính ngày càng nặng gây nhiều hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

Kiểm soát acid uric máu tốt < 6mg/dl giúp kiểm soát toàn diện gút tái phát và hạt tophi, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Thay đổi lối sống có vai trò trong phòng ngừa và điều trị bệnh gout.

Bệnh gout và chế độ ăn trong ngày Tết

Số lượng bệnh nhân gout gia tăng mỗi dịp Tết đến xuân về. Sở dĩ bệnh gout bùng phát vào dịp Tết vì các bữa ăn, đồ uống đón năm mới quá đa dạng và phong phú về cả chất và số lượng. Đây được xem là một thách thức rất lớn với người bệnh gout.

Không ít người bệnh gout phải đón năm mới trong bệnh viện hay phải nằm ở nhà do cơn đau gout cấp tấn công.

Người bị bệnh gout cần ăn gì và kiêng ăn gì?

Những thực phẩm người bệnh gout hạn chế ăn

Hội thấp khớp học Mỹ khuyến cáo hạn chế rượu, thịt, sữa bắp có hàm lượng Fructose cao, giảm cân đối với những người vượt quá cân nặng bình thường hay béo phì.

Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt ngựa, thịt trâu, thịt dê): Chứa lượng đạm cao nên khi người bệnh gout ăn nhiều sẽ dẫn đến dư thừa protein, sản sinh và gia tăng acid uric máu gây ra các cơn đau gout.

Hải sản (cua, ghẹ, sò, tôm, ngao, cá trích, cá ngừ): Vừa giàu đạm lại nhiều chất béo khiến bệnh gout càng đau đớn và trầm trọng hơn.

Phủ tạng động vật (tim, gan, thận, lá lách, lòng, phổi): Có lượng cholesterol và purin khá cao nên có thể gây ra các cơn đau gout cấp bất cứ lúc nào.

Gà tây, thịt ngỗng, trứng vịt lộn: Là top thực phẩm có hàm lượng purin cao, do đó bệnh nhân gút nên tránh ăn các loại thịt này.

Nem chua: Là đồ nhắm rất hấp dẫn trong dịp Tết nhưng vị chua trong nem được sinh ra từ thính gạo và thịt lợn có thể tăng acid uric máu.

Một số loại rau (măng tây, măng tre, nấm, giá đỗ, các loại đậu đỗ, dọc mùng, cải bó xôi, bông cải) cũng chứa nhiều nhân purin.

Thực phẩm giàu chất béo (mỡ, da động vật, đồ chiên rán) và chế biến với chất béo (mì tôm, thức ăn nhanh).

Rượu, bia, đồ uống có gas.

Socola trắng (sữa), bánh kẹo: Người bệnh gút cũng nên hạn chế để tránh thừa cân hoặc đường tăng cao gây tiểu đường, làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh gout.

Bánh chưng, dưa hành, thịt đông: Nếu bánh chưng làm tăng sưng viêm thì thịt đông có chứa nhiều chất béo và dưa hành lại có hàm lượng muối cao. Ba thực phẩm này không tốt cho người bị gout.

Những thực phẩm người bệnh gout nên ăn

Theo các chuyên gia, một số thực phẩm có hàm lượng purin thấp như: Các loại cá sông (cá chép, cá diêu hồng), cá đồng (cá rô), thịt trắng (ức gà) có hàm lượng ít purin, vẫn có thể sử dụng để cung cấp chất đạm cần thiết cho cơ thể với khoảng 1.800 kcal/ ngày, trong đó có khoảng 100 - 150g thịt/ ngày và 400g rau xanh, hoa quả…

Ưu tiên rau xanh, hoa quả: Rau cải bẹ xanh, rau cần, rau muống, rau ngót, lá lốt, rau cải xoong, cà rốt, gấc, cà chua, bí đỏ và các loại quả dưa hấu, nho, táo, lê, đu đủ chín vừa ít nhân purin, vừa giàu vitamin C, E, rất tốt cho người bệnh gout.

Tích cực ăn thực phẩm ít purin: Ngũ cốc, bơ, các loại hạt… đặc biệt trứng, sữa không chứa purin nên người bệnh gout nên thường xuyên sử dụng.

Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua… giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm sự hình thành acid uric.

Uống 2-3 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể đào thải acid uric ra ngoài bằng đường nước tiểu và hạn chế kết tinh urat tại các tổ chức.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục