Chế độ ăn uống, sinh hoạt dành cho người bệnh vảy nến

Tuấn Bảo, icon
10:28 ngày 08/07/2019

VTV.vn - Vảy nến là một bệnh da mạn tính, biểu hiện lâm sàng với nhiều hình thái khác nhau. Đặc trưng của bệnh là các tổn thương đỏ da, bong vảy, ngứa nhiều.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh vảy nến tiến triển và nặng lên từng đợt, xen kẽ với những đợt bệnh thuyên giảm. Cho tới thời điểm hiện tại, căn nguyên của bệnh chưa hoàn toàn sáng tỏ và trên toàn thế giới, chưa có một phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh. Đây là một trong các bệnh da thường gặp nhất trên thế giới, chiếm tỷ lệ 1 - 3% dân số thế giới. Bệnh xuất hiện ở cả hai giới và có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Ở Việt Nam, theo thống kê năm 2010, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, có 2,2% bệnh nhân vảy nến trên tổng số các bệnh nhân đến khám.

Ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, chế độ ăn uống và sinh hoạt là vô cùng quan trọng đối với người bệnh vảy nến. Người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dưỡng chất.

Các chuyên gia khuyến cáo 5 nhóm thực phẩm nên có trong chế độ ăn của bệnh vảy nến:

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Sử dụng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp loại bỏ được các độc tố trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các phản ứng viêm da. Các loại thức ăn như bắp cải đỏ, củ cải đỏ, cải Brussel, rau chân vịt, rau diếp, cà rốt, dưa chuột, khoai tây, bưởi, lê, dứa, dưa hấu, nho, cam, mận, lựu, việt quất, quả anh đào, kiwi, táo đỏ, quả mâm xôi, quả óc chó, quả hồ đào… là các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa mà người bị vảy nến nên sử dụng thường xuyên.

Thực phẩm giàu axit béo omega-3

Axit béo omega-3 có tác dụng ngăn chặn các phản ứng viêm trong cơ thể, đặc biệt ức chế các chất gây viêm leucotriene 3 và 5 trong bệnh vảy nến. Axit béo omega-3 có nhiều trong cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá mòi… Các loại hạt mè, hạt lanh, hạt hướng dương, quả óc chó…

Thực phẩm giàu kẽm

Kẽm làm tăng cường khả năng miễn dịch, chống các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có bệnh vảy nến.Các thực phẩm như các loại ngũ cốc thô, ngũ cốc qua sơ chế (yến mạch, gạo lức, hạt quinoa), các loại đậu, hải sản (nghêu, sò, ốc, hàu…), gan, thịt đỏ, trứng, sữa tươi, sữa chua, các loại rau, củ và trái cây (nấm, rau chân vịt, xúp lơ xanh, cải xoăn, tỏi,..)… rất giàu kẽm. Đây là một nguồn dinh dưỡng rất tốt cho người bệnh vảy nến.

Thực phẩm giàu folate (axit folic)

Folate cũng giữ vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể, ngăn chặn sự hình thành leukotriene - nguyên nhân khiến bệnh vảy nến trầm trọng hơn. Folate có nhiều trong các loại thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau có màu xanh sẫm, các loại đậu và ngũ cốc.

Thực phẩm giàu Beta-carotene

Các bệnh nhân vảy nến nên bổ sung thực phẩm giàu beta carotene như cà rốt, cà chua, bí đỏ, bơ, xoài, đu đủ, đào, dưa hấu, gấc, ớt vàng, ớt đỏ, cần tây, rau dền… vào khẩu phần ăn hàng ngày để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh. Ngoài việc thường xuyên sử dụng các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, kiêng ăn các thực phẩm nhiều tinh bột và đường, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, các thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.

Người bệnh vảy nến tuyệt đối không nên uống rượu, hút thuốc lá vì đây là một trong các yếu tố khiến cho bệnh vảy nến nặng thêm.

Bên cạnh đó, người bệnh vảy nến cần tuân thủ việc chăm sóc da đúng cách: Thường xuyên giữ ẩm cho vùng da bị vảy nến bằng cách bôi kem dưỡng ẩm ít nhất ngày 3 lần, bôi ngay sau khi tắm và bất cứ khi nào cảm thấy khô da. Bệnh nhân vảy nến nên tránh cào gãi, chà xát. Cần rèn luyện thể dục thể thao hàng ngày để tránh béo phì và các rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Bệnh nhân vảy nến không được tự ý dùng thuốc, tuân thủ theo điều trị của bác sĩ và thường xuyên đến tái khám theo hẹn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục