Con sốt cao liên tục, gia đình tá hỏa phát hiện trẻ mắc bệnh hiếm

Linh Chi, icon
02:03 ngày 23/11/2018

VTV.vn - Bé trai 9 tuổi được gia đình cho vào Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn khám vì sốt suốt 10 ngày, có cơn rét run, đau đầu.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật giải phóng ổ mủ cho bệnh nhi.

Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận: bệnh nhi có tình trạng nhiễm khuẩn nặng nhưng không xác định được nguyên nhân.

Kết quả cấy máu của bệnh nhi sau 3 ngày đều không tìm ra bệnh, bệnh nhi tiếp tục được điều trị bằng kháng sinh. Kết quả siêu âm kiểm tra cho thấy: có ổ dịch vùng xương cùng cụt.

Nhận thấy bệnh nhi có thêm dấu hiệu tổn thương thần kinh khu trú là tê bì chân bên trái, bác sĩ cho bệnh nhi chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng phát hiện ra khối áp xe ngoài màng cứng tủy rất lớn từ đốt sống T10 xuống xương cùng S2 cùng với nhiều khối áp xe lan tỏa trong vùng cơ cạnh sống ngang vị trí thắt lưng - cùng cụt. Bé được chẩn đoán mắc bệnh hiếm whitmore.

Ngay lập tức, các bác sĩ quyết định chỉ định mổ cấp cứu cho bệnh nhi, giải phóng chèn ép tủy bằng cách mở thông 2 đầu ổ mủ ngoài màng cứng phía trên và dưới, rửa sạch ổ mủ và đặt dẫn lưu ngoài màng cứng.

Theo các bác sĩ, bệnh whitmore có biểu hiện giống như các loại nhiễm trùng khác, khi chọc dịch, làm test nhanh xét nghiệm, ở thời gian đầu không phát hiện ra vi khuẩn. Sau đó, cần phải mất thời gian nuôi cấy mới xác định được chính xác vi khuẩn whitmore. Đây là căn bệnh chưa có vaccin phòng ngừa và khi đã khởi phát bệnh, diễn biến của bệnh rất nhanh, các triệu chứng mơ hồ.

Bệnh gây ra bởi vi khuẩn gram âm B.B.pseudomallei, đặc trưng bởi tình trạng viêm phổi nặng và áp xe đa ổ, với tỉ lệ tử vong rất cao, lên tới 40%. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên đến 40%. Bệnh này đặc trung bởi tình trạng viêm phổi nặng và áp xe đa ổ.

Vi khuẩn gây bệnh sống trong bùn đất và nước, đường lây truyền chủ yếu qua vùng da tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Sự lây nhiễm bệnh ban đầu có thể xuất phát từ những vết thương rất nhỏ, người bệnh cũng như bác sĩ thường bỏ qua, tuy nhiên vi khuẩn whitmore có thể diễn tiến rất nhanh, thường gây viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu, tử vong trong vòng 48 giờ sau khi phát hiện ra triệu chứng.

Hiện nay bệnh whitmore chưa có vaccine phòng bệnh, và cũng chưa có khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng, cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động, sinh hoạt tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc trực tiếp với đất bẩn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục