Whitmore khó phát hiện vì khả năng “mạo danh” các bệnh khác

Minh Đức, icon
11:57 ngày 05/09/2016

VTV.vn - Người nhiễm Whitmore có thể xuất hiện nhiều triệu chứng của các bệnh khác gây khó khăn trong chuẩn đoán, nếu điều trị không đúng bệnh có thể gây hậu quả nghiêm trọng

Được biết đến với cái tên "căn bệnh gây chết người trong 48 tiếng", bệnh Whitmore đang gây hoang mang cho nhiều người dân trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sự thật là căn bệnh gây nên bởi vi khuẩn Whitmore không phải lúc nào cũng nguy hiểm đến tính mạng con người. Theo giới y học, khuẩn whitmore có nhiều thể bệnh, riêng thể bệnh gây chết người trong vòng 48 tiếng là thể hiếm gặp nhất.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phụ trách Khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương cho biết: "Người bệnh nhiễm vi khuẩn Whitmore có thể diễn biến thành nhiều thể bệnh khác nhau. Đối với người bị bệnh mãn tính, trên người sẽ xuất hiện những vét loét, ổ nhiễm trùng kéo dài. Nếu bệnh nhân bị thể bán cấp sẽ âm thầm tái phát bệnh trong thời gian dài. Ngoài ra bệnh nhân có thể bị cấp tính, người bệnh bị ngã xuống ao bùn hay ruộng, bị sặc bùn bẩn xuống phổi gây viêm phổi cấp tính, nhiễm trùng huyết cấp tính. Nguy hiểm nhất là diễn biến tối cấp, gây ra nhiễm trùng huyết và sốc nặng, bệnh nhân có thể chết trong vòng 48 giờ. Người nhiễm khuẩn Whitmore có thể có nhiều thể bệnh khác nhau vậy nên không nhất thiết cứ bị nhiễm Whitmore là sẽ chết trong vòng 48 tiếng. Người dân không nên quá hoang mang".

Mỗi năm, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW tiếp nhận 40 đến 50 ca nhiễm bệnh Whitmore, hiện bệnh viện cũng đang điều trị cho một số bệnh nhân thể bán cấp và cấp tính. Việt Nam là khu vực dịch tễ khá trầm trọng của vi khuẩn Whitmore. Do trước đây ngành y tế của Việt Nam chưa phát triển mạnh nên rất ít cơ sở y tế chuẩn đoán được khuẩn này, cũng bởi những biểu hiện mặt bệnh do khuẩn Whitmore gây nên rất giống với những mặt bệnh khác nên thường gây nhầm lẫn trong chuẩn đoán và điều trị. Trong thời gian gần đây, ngành y tế đã bắt đầu phát triển mạnh hơn, nhiều cơ sở tại các tỉnh cũng đã phát hiện được khuẩn Whitmore, bởi vậy bệnh Whitmore cũng được biết đến nhiều hơn.

Whitmore khó phát hiện vì khả năng “mạo danh” các bệnh khác - Ảnh 1.

Trong những năm gần đây, vi khuẩn whitmore được phát hiện nhiều hơn bởi y học đã phát triển mạnh mẽ

Vi khuẩn Whitmore xuất hiện rất nhiều ở trong môi trường nước bùn, đất cát, đầm ao… Đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn thường có công việc tiếp xúc thường xuyên với môi trường bùn đất như nông dân, công nhân hầm mỏ, công nhân nông trường, những người tay chân thường xuyên bị xây xát tiếp xúc với đất cát. Đặc biệt, có những trường hợp người đi đường bị ngã xuống ao, xuống ruộng và hít phải nước bùn bẩn vào phổi, có thể sẽ bị nhiễm khuẩn và gây viêm phổi.

Theo bác sĩ Trung Cấp, bệnh Whitmore chỉ lây từ ngoài môi trường vào người, hiện chưa có ghi nhận trường hợp nào lây trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên nếu có một bệnh nhân bị viêm phổi do khuẩn Whitmore điều trị chung với 1 bệnh nhân bị viêm phổi vì lý do khác. Nếu hai người này trong quá trình điều trị sử dụng chung các vật phẩm như xông hút đờm, xông hút phổi thì có thể bị lây bệnh. Tuy nhiên với điều kiện y tế của bệnh viện Nhiệt đới trung ương hiện nay thì trường hợp này không thể xảy ra.

Cũng theo bác sĩ Trung Cấp, chuẩn đoán được đúng bệnh do vi khuẩn Whitmore gây nên rất khó, đòi hỏi bác sĩ phải có tư duy lâm sàn tốt. Ngoài ra, cơ sở y tế phải có đủ điều kiện để nuôi cấy, khẳng định là vi khuẩn Whitmore mới có thể tìm ra được. "Thông thường, kể cả trong phòng xét nghiệm cũng có khả năng nhầm lẫn Whitmore với những vi khuẩn khác, vậy nên phòng xét nghiệm vừa phải có điều kiện vừa phải đủ kinh nghiệm để phân biệt. Hiện tại ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, luôn có phòng xét nghiệm được trang bị đầy đủ và các bác sĩ có chuyên môn cao nên có thể xác định chính xác được bệnh Whitmore nếu người bệnh mắc phải".

Về chi phí điều trị khi mắc bệnh Whitmore, bác sĩ Trung Cấp cho biết: "Về việc điều trị, đối với thể viêm phổi cấp tính hoặc các ổ loét trên da thì sẽ phải điều trị dài lâu hơn rất nhiều so với những vi khuẩn thông thường. Còn đối với thể tối cấp gây tử vong nhanh chóng thì nhiều khi thuốc kháng sinh chưa kịp ngấm bệnh nhân đã tử vong rồi, may mắn là thể tối cấp rất hiếm gặp. Thể hay gặp nhất là bán cấp, trung bình người bệnh điều trị thể bán cấp từ vài tháng đến nửa năm, thậm chí là 1 năm vì có rất nhiều ổ di bệnh tại nhiều cơ quan như trong cơ, thậm chí là trong xương, gan, lá lách… Điều khó khăn trong việc điều trị thể bán cấp là kháng sinh ngấm chậm, hơn nữa vi khuẩn này rất ít kháng sinh tác dụng được với nó. Nếu điều trị kéo dài sẽ khiến Whitmore kháng lại và bệnh nhân sẽ phải đổi thuốc đắt hơn, tốn kém hơn. Người bệnh điều trị kiên trì có thể khỏi hẳn nhưng lo ngại nhất là vẫn còn những ổ di bệnh không phát hiện ra, tưởng ổn rồi ngừng điều trị thì bệnh lại bùng phát".

Hiện bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh vậy nên biện pháp cơ bản nhất để phòng tránh bệnh là tăng cường biện pháp bảo hộ trong lao động và sinh hoạt nhằm tránh các bộ phận cơ thể tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất bẩn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục