Đắk Lắk: Bệnh sốt rét tăng cao

Mai Lê, icon
05:27 ngày 18/07/2019

VTV.vn - Bên cạnh sự gia tăng đột biến của các bệnh sốt xuất huyết, sởi…sốt rét cũng là bệnh đang gia tăng nhanh tại Đắk Lắk với 369 ca mắc.

Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Đắk Lắk có 369 trường hợp mắc sốt rét, tăng hơn 230% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 2 ca mắc sốt rét ác tính.

ThS.BS Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết: Hiện nay, bệnh viện đang tiến hành lọc máu liên tục để điều trị cho bệnh nhân L.S.H. (sinh năm 1993, trú tại Cư Pui, Krông Bông, Đắk Lắk) mắc sốt rét ác tính. Trước đó, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện đa khoa Khu vực 333 (Ea Kar, Đắk Lắk) trong tình trạng sốt cao 41 độ C, rét run, ra mồ hôi, đau đầu, lơ mơ, tiếp xúc kém.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, trước khi phát hiện mắc sốt rét, anh thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy nên bị muỗi cắn. Do chủ quan nên khi sốt, anh không nhập viện điều trị liền mà ở nhà, đến khi bệnh trở nặng người nhà mới đưa bệnh nhân vào viện.

ThS.BS Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng thuộc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm: tình hình bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt là ở các huyện Ea Kar với 153 trường hợp mắc bệnh, Krông Năng 97 trường hợp, Ea H’Leo 20 trường hợp và M’Đrắk 27 trường hợp. Đỉnh điểm có giai đoạn chỉ trong một tuần cả tỉnh phát hiện 10 trường hợp bệnh nhân mắc sốt rét.

Thông thường 1 năm sẽ có 2 đợt trọng điểm bệnh sốt rét gia tăng. Đợt 1 vào khoảng tháng 4 - 6 và đợt 2 vào tháng 9 - 11. Hai mùa này là cao điểm, thường gây ra nhiều ca sốt rét nếu không được phòng chống tốt. 

Đáng lo ngại hiện nay là sự quay trở lại của vec tơ truyền bệnh. 2 tháng qua, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tiến hành điều tra tại 4 huyện. Trong đó, 2 huyện Ea Kar và Krông Bông phát hiện ra có vec tơ chính gây truyền bệnh sốt rét mà lâu nay khu vực 2 huyện này không hề có. Bên cạnh đó, hiện nay xuất hiện tình trạng bệnh nhân tái phát, tái nhiễm bệnh nhiều lần. Số bệnh nhân tái phát 2 lần là 49 trường hợp, tái phát 3 lần 5 trường hợp và đặc biệt có 1 bệnh nhân tái phát 4 lần chỉ trong 6 tháng…

Việc tái nhiễm lại bệnh sốt rét rất nguy hiểm, cho thấy có thể do ký sinh trùng kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất. Hiện tại ở Đắk Lắk, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đã ghi nhận có bằng chứng của kháng thuốc. Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới cũng đang thẩm định công nhận về sự kháng thuốc trong sốt rét tại đây.

Dự báo trong thời gian tới, các ca mắc sốt rét sẽ tiếp tục tăng mạnh do người dân thường hay đi rừng khai thác lan, lâm sản, ngủ ở rẫy nhưng thiếu ý thức phòng hộ cá nhân. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục