Dị ứng thức ăn ở trẻ - Xử lý thế nào?

Tuấn Bảo, icon
04:18 ngày 07/09/2019

VTV.vn - Dị ứng thức ăn là phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể lầm tưởng một loại thức ăn nào đó là có hại.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, dị ứng thức ăn ở trẻ có thể là bệnh mãn tính (kéo dài một thời gian dài) hoặc cấp tính (đột ngột). Phản ứng cấp tính có thể gây ra bệnh nghiêm trọng hoặc thậm chí xảy ra phản ứng đe dọa đến tính mạng gọi là sốc phản vệ.

Những trẻ thường có nồng độ kháng thể IgE trong máu cao hơn bình thường rất dễ bị dị ứng. Các kháng thể IgE còn gọi là kháng thể gây dị ứng bám trên bề mặt tế bào bạch cầu có tên là Mastocyte - còn gọi là dưỡng bào, chứa nhiều túi nhỏ bên trong có nhiều hóa chất trung gian như histamine, serotonin...

Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng thức ăn phổ biến nhất bao gồm:

- Nổi mề đay, ngứa.

- Ngứa ran hoặc ngứa trong miệng.

- Chóng mặt, choáng hoặc ngất xỉu.

- Thở khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở.

- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hay nôn mửa.

- Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

- Sốc phản vệ: Điều này có thể gây ra các dấu hiệu đe dọa tính mạng và triệu chứng như co thắt và thắt chặt của đường hô hấp, cổ họng sưng hoặc cảm giác có khối u trong cổ họng làm khó thở, tụt huyết áp nghiêm trọng, chóng mặt, choáng hoặc bất tỉnh. Khi bị sốc phản vệ, trẻ cần được điều trị càng sớm càng tốt, sốc phản vệ có thể gây hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Phần lớn các bệnh dị ứng thức ăn gây ra bởi một số protein có trong động vật có vỏ như tôm, tôm hùm và cua; đậu phộng; hạt cây như quả óc chó và quả hồ đào; cá hoặc trứng. Ở trẻ em, dị ứng thực phẩm thường được gây bởi các protein trong: trứng, sữa, đậu phộng, hạt cây, lúa mì...

Làm gì khi trẻ bị dị ứng thức ăn?

Ngay khi phát hiện trẻ có những triệu chứng như trên phụ huynh nên đưa đến bệnh viện gần nhất để được bác sĩ sử dụng các thuốc điều trị thích hợp. Phụ huynh không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần có sự tư vấn, thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.

Để phòng tránh dị ứng thức ăn cho trẻ, các bậc cha mẹ cần lưu ý:

- Loại trừ những thực phẩm gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn của trẻ.

- Sử dụng các thuốc điều trị thích hợp cho tình trạng dị ứng.

- Trong một số trường hợp cần chẩn đoán chính xác tác nhân gây dị ứng, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám kiểm tra các test dị nguyên.

- Đối với dị ứng nghiêm trọng, cần tiêm epinephrine và đến phòng cấp cứu. Hai phương pháp điều trị thông thường là Anti-IgE và liệu pháp miễn dịch đường uống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục