Không nên coi thường khi trẻ bị dị ứng thức ăn

Minh Đức, icon
10:00 ngày 05/10/2018

VTV.vn - Các bậc phụ huynh không nên chủ quan trong việc theo dõi nguy cơ dị ứng thức ăn ở trẻ, nếu không phát hiện kịp thời, trẻ có thể bị sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỉ lệ trẻ nhỏ có nguy cơ bị dị ứng từ thức ăn lên đến 40%. Tỷ lệ này còn lên tới 50 - 80% ở những trẻ có cả bố và mẹ có tiền sử dị ứng thức ăn, còn đối với những trẻ cha mẹ không hề bị dị ứng, thì tỉ lệ trẻ bị dị ứng là khoảng 5-15%.

Dị ứng thức ăn là phản ứng dị ứng miễn dịch của cơ thể với một loại protein trong thức ăn. Khi vào hệ tiêu hóa, chúng sẽ được vận chuyển lên máu, kết hợp với một loại kháng thể nằm sẵn trên bề mặt tế bào bạch cầu. Sự kết hợp này làm vỡ tế bào bạch cầu và phóng thích các hóa chất trung gian histamin và gây ra dị ứng. Dị ứng với thức ăn dễ xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng (viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản...). Đây là hiện tượng xảy ra khá nhiều ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Với các diễn biến khó lường, tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Thậm chí, nếu cấp cứu không kịp, trẻ còn có thể bị thiệt mạng do sốc phản vệ.

BS Hưng cho biết, việc phát hiện ra trẻ có bị dị ứng hay không là vấn đề khá khó khăn, nhất là khi biểu hiện ở mỗi trẻ lại khác nhau. Thời gian xảy ra dị ứng có thể trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau ăn.

Một số trường hợp trẻ quá nhạy cảm, chỉ cần chạm vào hoặc hít phải thực phẩm dị ứng là có thể xảy ra triệu chứng. Nhưng cũng có trường hợp phản ứng chậm, xảy ra sau vài ngày với những biểu hiện không rõ ràng như bứt rứt, khó chịu, mẩn ngứa, nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng và phân lẫn máu. Trẻ có thể bị khó thở, huyết áp giảm, sốc phản vệ, thậm chí là tử vong sau đó… Do đó, cần phải theo dõi để phân biệt với những bệnh lý khác.

Trẻ em thường bị dị ứng với trứng, sữa (đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), đậu phộng, đậu nành (đỗ tương), lúa mì, quả óc chó... Theo thống kế, có tới 80% trẻ bị dị ứng có biểu hiện ở da, 20% có biểu hiện triệu chứng đường hô hấp (thở co kéo, khò khè…), 20% có biểu hiện ở hệ tiêu hóa, các triệu chứng khác chỉ chiếm vài phần trăm.

BS khuyến cáo, nếu nghi ngờ trẻ dị ứng với loại thực phẩm nào thì khi cho trẻ ăn nên cho một lượng nhỏ, ít một để dò phản ứng. Đây cũng là cách giúp cơ thể trẻ thích nghi dần với những loại thức ăn gây dị ứng. Trẻ đã có những biểu hiện của dị ứng thức ăn gia đình nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế, ghi nhật ký ăn uống và tìm hiểu trong gia đình có ai bị dị ứng như trẻ hay không. Khi biết loại thực phẩm gây dị ứng thì nên tạm ngưng và chọn thức ăn khác thay thế cho trẻ. Trường hợp bị dị ứng nặng như nổi mề đay toàn thân, khó thở... phải đến ngay bệnh viện để cấp cứu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục