Hành trình Đỏ và chặng đường hơn một thập kỷ kết nối dòng máu Việt

Tuấn Nguyễn, Thanh Hằng, icon
03:12 ngày 30/07/2023

VTV.vn - Tròn một thập kỷ bền bỉ đồng hành cùng người bệnh cần máu (2013 – 2022), Hành trình Đỏ đã thu hút hàng triệu lượt người tham dự, tiếp nhận gần 700.000 đơn vị máu.

Các tình nguyện viên Hành trình Đỏ diễu hành tuyên truyền về Ngày hội hiến máu tình nguyện “Giọt hồng Thành phố Hoa” tại Đà Lạt. Ảnh: Viện HH&TM TW

Hiến máu đã trở thành lẽ sống thường ngày, mang lại niềm vui, hạnh phúc

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam cần khoảng 2 triệu đơn vị máu dùng cho điều trị các chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, cho người mắc các bệnh cần truyền máu.

Cứ mỗi 2 giây lại có những yêu cầu cần thiết liên quan tới truyền máu và trung bình cứ 7 người vào bệnh viện thì có 1 người cần tiếp máu. (Theo WHO)

Điều đáng nói là mặc dù nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị rất cao, song những năm gần đây, hầu như không còn xảy ra tình trạng thiếu máu vào dịp hè và Tết, bệnh nhân cũng không còn phải mòn mỏi chờ đợi máu do thiếu nguồn người hiến máu.

Thật tuyệt vời khi số người hiến máu thường xuyên tại Việt Nam ngày càng tăng cao, ý nghĩa của việc hiến máu được lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân. Hàng vạn người đã đều đặn thực hiện hành động đơn giản này, coi đó như thói quen, như việc làm đơn giản, như lẽ sống thường ngày để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho những người đang cần máu.

Hành trình Đỏ và chặng đường hơn một thập kỷ kết nối dòng máu Việt  - Ảnh 2.

Xúc động tri ân và dành tình cảm biết ơn tới những người hiến máu, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh chia sẻ: “Thay mặt cho những người bệnh cần máu, cho các bác sĩ cần tới máu để phục vụ công tác điều trị, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành nhất tới những người hiến máu tình nguyện trên cả nước vì những gì họ đã góp sức trong những năm vừa qua”. (Ảnh: Tạ Quang)

Đánh giá về hoạt động hiến máu tình nguyện tại Việt Nam thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: "Qua rất nhiều năm của công tác vận động hiến máu tình nguyện thì cho đến nay, chúng tôi thấy rằng đã có sự thay đổi cơ bản về nhận thức của tất cả các tầng lớp nhân dân trên cả nước. Việc hiến máu đã trở thành một hành động, một nghĩa cử cao cả được thực hiện thường xuyên của tất cả mọi người, của tất cả các tầng lớp trong xã hội và có sự vào cuộc của các cơ quan Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân".

Hành trình kết nối dòng máu Việt và chặng đường dài ý nghĩa

Hành trình Đỏ là chương trình hiến máu lớn nhất trong năm, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, là giải pháp có hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu cho điều trị vào mỗi dịp hè.

Tròn một thập kỷ bền bỉ đồng hành cùng người bệnh cần máu (2013 – 2022), Hành trình Đỏ đã thu hút hàng triệu lượt người tham dự, tiếp nhận gần 700.000 đơn vị máu.

Tiếp nối hành trình kết nối dòng máu Việt đầy nhân văn này, chương trình năm thứ 11 diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 30/7/2023 với sự tham gia của 46 tỉnh/thành phố. Sau 2 tháng tổ chức, Hành trình Đỏ 2023 đã tổ chức được 68 điểm hiến máu chính thức, tiếp nhận trên 45.000 đơn vị máu; 240 điểm hiến máu hưởng ứng, tiếp nhận gần 70.000 đơn vị. Tổng cả các điểm chính và ngày hưởng ứng là tổ chức được 308 điểm hiến máu, tiếp nhận trên 115.000 đơn vị máu.

Hành trình Đỏ và chặng đường hơn một thập kỷ kết nối dòng máu Việt  - Ảnh 4.

Như vậy, qua 11 năm tổ chức, Hành trình Đỏ đã đã diễn ra tại 58/63 tỉnh/thành phố; tổ chức thành công 2.653 điểm hiến máu, tiếp nhận trên 810.000 đơn vị máu. Trong đó có 5 địa phương đã tổ chức Hành trình Đỏ trong 11 năm liên tiếp là: Lâm Đồng, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh; 6 địa phương tổ chức trong 10 năm là: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cần Thơ.

Qua 11 năm tổ chức, Hành trình Đỏ đã đã diễn ra tại 58/63 tỉnh, thành phố; tổ chức thành công 2.653 điểm hiến máu, tiếp nhận trên 810.000 đơn vị máu.

Chương trình đã hoàn thành 5 mục tiêu chính gồm: tạo chiến dịch truyền thông rộng lớn từ TW đến địa phương, đáp ứng nhu cầu máu cho điều trị, nâng cao chất lượng công tác vận động và tiếp nhận máu, điều phối công tác tiếp nhận – cung cấp máu trên toàn quốc và lan tỏa tinh thần nhân ái, yêu thương, thể hiện trách nhiệm với xã hội. Trong đó đặc biệt để lại nhiều dấu ấn trong công tác điều phối máu trên toàn quốc.

Hành trình Đỏ và chặng đường hơn một thập kỷ kết nối dòng máu Việt  - Ảnh 6.

Ngày hội Hiến máu Sắc đỏ Tây Đô tại Cần Thơ.

Hành trình Đỏ và chặng đường hơn một thập kỷ kết nối dòng máu Việt  - Ảnh 7.

Người tham gia hiến máu đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, đang công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hành trình Đỏ và chặng đường hơn một thập kỷ kết nối dòng máu Việt  - Ảnh 8.

Tỉnh nguyện viên Câu lạc bộ 25 Bình Định vẽ tranh trên cát tuyên truyền cho Hành trình Đỏ (Ảnh: Câu lạc bộ 25 Bình Định)

Hành trình Đỏ và chặng đường hơn một thập kỷ kết nối dòng máu Việt  - Ảnh 9.

Ngày hội hiến máu“Giọt hồng sông Đà” tại tỉnh Lai Châu.

Trước tình hình một số địa phương gặp khó khăn trong công tác tiếp nhận máu do thiếu vật tư, hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã nỗ lực phối hợp trong công tác tiếp nhận và cung cấp máu. Dù không thuộc diện bao phủ, nhưng Viện Huyết học – Truyền máu TW đã hỗ trợ tiếp nhận 4.342 đơn vị máu tại 6 tỉnh/thành phố khu vực Tây Nam Bộ và 1.148 đơn vị máu tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Cũng nhờ lượng máu từ Hành trình Đỏ, Viện đã "chi viện" cung cấp trên 23.000 đơn vị máu cho khu vực Tây Nam Bộ và trên 2.500 đơn vị máu cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy và Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh cũng tích cực cung cấp hàng ngàn đơn vị máu cho khu vực Tây Nam Bộ.

Những câu chuyện tình người

Xuyên suốt hành trình Đỏ, luôn có những câu chuyện đầy cảm xúc về tình người, về sự sẻ chia, lòng nhân ái dọc theo chiều dài đất nước...

Con gái lớn của anh Lục Quốc Đại năm nay lên 6 tuổi nhưng bé đã điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được 5 năm. Mỗi lần cả gia đình anh đi từ Quảng Ninh ra Hà Nội để đưa con đi khám, anh lại dành chút thời gian để hiến máu trước khi đưa con lên khoa gặp bác sĩ.

Hành trình Đỏ và chặng đường hơn một thập kỷ kết nối dòng máu Việt  - Ảnh 10.

Anh Đại đã hiến máu 15 lần ở Quảng Ninh và giờ đây anh coi việc hiến máu của mình là một cách tốt nhất để tri ân những người đã hiến máu cứu con anh.

“Chúng tôi vô cùng cảm ơn những tình nguyện viên đã hiến máu để con gái tôi được truyền máu. Với hành động của mình, tôi mong muốn có thể tri ân những người đã hiến máu để nhiều người được thụ hưởng, trong đó có con gái của tôi” - đó là những lời tâm sự từ đáy lòng của người cha này. Rất mừng là hiện tại, sức khoẻ của cháu đã ổn định và chỉ cần đi tái khám theo lịch hẹn.

Một câu chuyện khác: Sau khi xuất ngũ năm 1994, ông Lê Hùng Cường (phường 2, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; hiện là bảo vệ Trường Mầm non Bình Minh (xã Trung An, TP. Mỹ Tho) trở về với cuộc sống đời thường vừa học, vừa làm nghề thợ tiện. Sau đó, ông rời quê nhà lên TP. Hồ Chí Minh để mưu sinh. Ông có hơn 20 năm ở thuê trọ sinh sống với nghề thợ tiện, rồi làm bảo vệ. Không ít lần chứng kiến những người nghèo, người cao tuổi, người cơ nhỡ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… chẳng may mắc bệnh rất cần sự giúp đỡ, ông cũng muốn được góp phần.

Tuy nhiên, gánh nặng của người trụ cột gia đình phải làm thuê, ở trọ chăm lo cho vợ và 2 con nhỏ nên ông Cường không thể giúp họ bằng tiền bạc. Thế là ông nghĩ đến việc giúp người, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo bằng những giọt máu hồng.

Hơn 15 năm qua, cứ 3 tháng 1 lần, ông Cường đều đặn cho đi những giọt máu của mình với tổng cộng đơn vị máu mà ông hiến đến nay là 23.500 ml máu (30 lần hiến 450 ml, 25 lần 350 ml và chỉ có 5 lần hiến 250 ml).

Hành trình Đỏ và chặng đường hơn một thập kỷ kết nối dòng máu Việt  - Ảnh 11.

Ông Cường tại Hội nghị Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu tỉnh Tiền Giang năm 2023.

Nhận thấy việc hiến máu không chỉ có lợi cho bản thân như được kiểm tra máu, sàng lọc bệnh, có cơ hội “thay máu”… mà còn góp phần giúp đỡ người khác, làm giàu nguồn máu dự trữ cho những người bệnh khi cần. Từ đó, ông Cường học hỏi cách vận động của Hội Chữ thập đỏ để có thêm nhiều người tham gia hiến máu nhân đạo. Chính sự vận động của ông Cường, mà xóm trọ nơi ông từng sống tại TP. Hồ Chí Minh đã có rất nhiều người tình nguyện tham gia hiến máu. “Mỗi lần hiến máu, cả xóm rủ nhau đi như một ngày hội thật vui” – anh Cường nói.

Có chung tâm huyết như ông Cường, ông Trần Minh Mến tích cực tham gia hiến máu nhiều năm nay và hiện đang là đội trưởng đội Ngân hàng máu sống xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Kể về ngày đầu tiên tham gia hiến máu - ngày 21/3/2001, ông Mến nhớ lại: "Ngày đó, trong xã của tôi có một vụ tai nạn chấn thương sọ não rất nghiêm trọng, người đó qua đời. Từ đó, tôi đến với hiến máu để có thể cứu những trường hợp khẩn cấp như vậy".

Suốt 20 năm qua ông Mến từ một chàng trai chăm chỉ hiến máu tình nguyện thường xuyên trở thành "hotline" của các bệnh viện mỗi khi cần máu hiến.

Hành trình Đỏ và chặng đường hơn một thập kỷ kết nối dòng máu Việt  - Ảnh 12.

Ông Trần Minh Mến, đội trưởng đội Ngân hàng máu sống, hiến máu lần thứ 102 (Ảnh: Gia Thắng)

“Tôi ở cùng mẹ già hơn 90 tuổi. Hai mẹ con nương tựa nhau nhờ mảnh ruộng cùng với công việc bảo vệ. Cách đây 2 năm, sau khi được các nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà ở, mẹ khuyên tôi nghỉ việc để đi vận động hiến máu như một cách trả ơn cuộc đời”, ông Mến nói.

Đến nay, đội Ngân hàng máu sống mà ông Mến tham gia có 80 người, có đầy đủ các nhóm máu. Chỉ cần ở đâu cần máu, ông Mến lập tức kêu gọi mọi người đến viện để hiến máu.

Nghĩa cử hiến máu ở người lành lặn đã vô cùng đáng quý, đối với người khuyết tật vì hành động đó càng khiến chúng ta thêm cảm phục. đó là câu chuyện của một chàng trai khuyết tật 24 lần hiến máu cứu người.

Dù biến cố ập đến khiến một cánh tay mất đi, nhưng chàng trai Nguyễn Phúc Đức vẫn vượt qua, trở thành gương sáng trong các hoạt động thiện nguyện tại địa phương.

Nguyễn Phúc Đức (SN 1997), sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình.

Nói về lí do cánh tay không còn nguyên vẹn, Đức nhớ lại, đó là một tai nạn vào năm lớp 6, khi ngang qua một công trình xây dựng dang dở, anh bị tường sập đè vào người. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện, Đức thấy bông băng quấn kín người. Lúc nhìn xuống thì tay phải không còn nữa. Không chỉ đau đớn về thể xác, thời điểm đó sự mặc cảm khi thành một người khuyết tật cứ dày vò Đức mãi.

Thời gian cứ thấm thoát trôi, rồi Nguyễn Phúc Đức cũng bước vào cánh cổng trường đại học. Sinh ra trong một gia đình thuần nông nên việc định hướng của gia đình còn nhiều hạn chế, nên Phúc Đức tiếp tục chật vật với con đường đi tìm con chữ.

Trong 4 năm, Đức đã 2 lần thay đổi trường Đại học do không phù hợp. Bến đỗ cuối mà chàng trai này lựa chọn là Khoa Du lịch, trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Nơi mà được xem là đã thay đổi cuộc đời Đức.

Hành trình Đỏ và chặng đường hơn một thập kỷ kết nối dòng máu Việt  - Ảnh 13.

Dù mất một phần cơ thể, Nguyễn Phúc Đức vẫn tích cực tham gia hiến máu.

Với khát khao được hiến dâng những điều tốt đẹp cho đời, Đức đã thường xuyên tham gia hiến máu nhân đạo. Dù mới 25 tuổi, nhưng đến nay chàng trai với nụ cười hiền hậu ấy đã có 24 lần tham gia hiến máu.

Không dừng lại ở đó, Đức còn trực tiếp tham gia Câu lạc bộ máu để có thể lan tỏa những năng lượng tích cực và để mọi người có một nhìn nhận rõ hơn về hoạt động hiến máu.

Theo, Đức việc tham gia Câu lạc bộ Máu như một bước ngoặt trong cuộc đời anh. Từ một con người tự ti bởi việc mình bị khuyết tật, nhưng đến nay anh đã tự tin đối diện với mọi thứ. Hiện giờ, Đức đang là Chi hội phó Chi hội Thanh niên Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên...

"Hành trình Đỏ thực sự đã khơi dậy tình yêu thương, nghĩa đồng bào, tô thắm nên truyền thống tương thân tương ái đáng tự hào của dân tộc ta và chung sức xây dựng một cộng đồng nhân ái!"

(PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương)

Còn nhiều lắm những tấm lòng nhân ái trên chặng đường 11 năm qua của Hành trình Đỏ. Mỗi một người trong số họ là một mảnh ghép yêu thương của Hành trình đỏ, của một cộng đồng nhân ái, cùng chung tay thực hiện sứ mệnh cứu người cao cả - như những lời PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2023 chia sẻ: "Hành trình Đỏ đã góp phần đem lại sự sống cho hàng trăm nghìn người bệnh, giúp cho ngành Y tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của hàng triệu người dân về hiến máu tình nguyện, Hành trình Đỏ thực sự đã khơi dậy tình yêu thương, nghĩa đồng bào, tô thắm nên truyền thống tương thân tương ái đáng tự hào của dân tộc ta và chung sức xây dựng một cộng đồng nhân ái".

Đi qua chặng đường 11 năm bền bỉ kết nối trái tim, có thể thấy giờ đây, Hành trình Đỏ đã vô cùng lớn mạnh. Phong trào nhân văn và ý nghĩa này sẽ còn vươn xa và lớn mạnh hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Và sắc đỏ yêu thương sẽ còn lan toả mãi...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục