Mỹ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 4

Nguyễn Mai, icon
02:43 ngày 08/03/2021

VTV.vn - Một năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Mỹ vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 4, dù đang chạy đua để tiêm phòng cho người dân.

Người đã điều trị khỏi COVID-19 vẫn có thể tái mắc nếu không tuân thủ biện pháp phòng dịch

Trên toàn thế giới, có khoảng hơn 115 triệu ca mắc COVID-19, trong đó Mỹ chiếm 25%, khoảng 29 triệu người. Số người tử vong vì COVID-19 của Mỹ là hơn 500.000 người, chiếm 20% số ca tử vong trên toàn thế giới.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Mỹ ghi nhận khoảng 66.000 ca mắc mới mỗi ngày trong tuần qua, giảm 73% so với mức cao kỷ lục vào đầu tháng 1 và mức độ lây lan tương đương như tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng có nhiều dấu hiệu làm dấy lên lo ngại về một làn sóng dịch COVID-19 mới sắp xuất hiện. Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phòng ngừa Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota cho rằng: Không có môi trường nào tốt hơn để virus SARS-COV-2 phát triển như môi trường hiện nay và chỉ có tiêm vaccine rộng rãi mới ngăn chặn được đại dịch. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thực hiện được và một phần là do sự hoài nghi của người dân Mỹ đối với tính hiệu quả của các loại vaccine.

Tính tới thời điểm hiện tại, hơn 100 triệu liều vaccine của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt đã được chuyển tới các bang trên toàn nước Mỹ. Khoảng 53 triệu người, 16% dân số, đã được tiêm ít nhất một liều, trong khi 27 triệu người đã nhận được 2 liều.

Bên cạnh đó, một số bang đã nới lỏng các hạn chế đối với việc kinh doanh và tụ tập, mặc dù tình trạng lây nhiễm tiếp tục ở mức cao hơn so với thời điểm khi bắt đầu đưa ra các quy định đó. Các bang Texas và Mississippi đã dỡ bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, trong khi hầu hết các bang khác bỏ các quy định hạn chế sức chứa trong nhà đối với quán bar và nhà hàng. Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng cảnh báo không nên chạy đua để mở cửa trở lại với tốc độ nhanh hơn mức khoa học cho là an toàn - bởi nếu các giai đoạn bị đẩy nhanh, đại dịch sẽ kéo dài. Những tháng mùa Xuân sắp tới, tốc độ lây nhiễm có nguy cơ sẽ tăng lên khi nhiều người ra ngoài và hoạt động ngoài trời nhiều hơn.

Cùng với đó là mối lo về số ca nhiễm ngày càng tăng do biến thể mới của virus SARS-COV-2. Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại về biến thể gây ra đợt bùng phát mùa Đông ở Anh và biến thể lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi và đang phổ biến ở một số nước láng giềng.

Chính vì vậy, dù ngày càng nhiều người dân Mỹ được tiêm ngừa COVID-19 và nhìn thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm", tuy nhiên các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều "đường hầm" mà quốc gia này phải đi qua. Theo các chuyên gia, đây chính là lúc cần có hành động tập thể và cách thức xử lý đại dịch hiện nay sẽ đóng vai trò quan trọng - bởi nó sẽ tác động đến những gì có thể xảy ra sau 3 tháng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục