Phát hiện sớm bệnh lồng ruột ở trẻ

Mai Chi, icon
12:12 ngày 09/06/2020

VTV.vn - Hiện nay, hơn 95% trường hợp trẻ bị lồng ruột không có nguyên nhân và thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi.

Một trường hợp bệnh nhi bị lồng ruột được phát hiện điều trị kịp thời.

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: Hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận và điều trị cho trẻ bị lồng ruột. Trong đó, nhiều trường hợp bệnh nhẹ sau 3 ngày điều trị có thể xuất viện, nhưng cũng có nhiều trẻ phải điều trị lâu dài do bệnh nặng phải tiến hành phẫu thuật.

Lồng ruột có nghĩa là một đoạn ruột non trượt vào lòng của đại tràng, hoặc 2 quai ruột non lồng vào nhau. Điều này khiến lưu thông tiêu hóa bị chặn lại, không đi qua được đoạn ruột bị lồng.

Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn, hiện nay, hơn 95% trường hợp trẻ bị lồng ruột không có nguyên nhân và thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Khoảng 5% trường hợp lồng ruột có nguyên nhân, cụ thể do: Túi thừa Meckel, nang ruột đôi, polyp ruột, u ở thành ruột; một số bệnh lý khác như bị mắc dị vật đường tiêu hóa, sau những cuộc phẫu thuật làm nhu động ruột bị rối loạn, thường gặp ở trẻ hơn 2 tuổi và kể cả người lớn.

Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính gây lồng ruột ở trẻ, tuy nhiên bệnh hay gặp ở mùa nhiễm siêu vi phát triển, trẻ bị các bệnh về hô hấp trên, tiêu hóa, những trẻ có thể trạng bụ bẫm, tuổi từ 4-10 tháng, có nhiễm siêu vi hô hấp trước đó. Thường nam mắc bệnh nhiều hơn nữ (nam chiếm 70%). Ngoài ra, cha mẹ, anh chị em ruột đã từng bị lồng ruột thì trẻ có thể bị lồng ruột.

Trẻ bị lồng ruột thường có biểu hiện đau bụng theo từng cơn, khóc thét, chân đạp, mặt xanh tái, có thể ngất xỉu. Các cơn đau kéo dài 5 phút làm cho trẻ mệt mỏi. Những cơn đau này thường tái diễn rất điển hình. Sau khi đau bụng, trẻ bị nôn ói do những thức ăn chưa tiêu, sau đó ói dịch xanh, vàng và nếu nặng có thể ói ra phân, đi cầu ra máu.

Cũng theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn, lồng ruột là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời sẽ gây tắc ruột, gây rối loạn chất điện giải. Từ đó, không có máu lưu thông để nuôi đoạn ruột bị lồng dẫn đến hoại tử, thủng ruột, tắc ruột, nhiễm trùng, nhiễm độc, có thể gây tử vong.

Trẻ đã từng bị lồng ruột thì nguy cơ tái diễn bệnh rất dễ. Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá lo lắng mà cần theo dõi trẻ nhiều hơn. Quan trọng là khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và xử trí kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục