Phát hiện xương cá "đi lạc" xuống vùng chậu bẹn

Tuấn Bảo, icon
08:00 ngày 23/04/2021

VTV.vn - Bệnh viện Nhân dân 115 vừa phẫu thuật cho bệnh nhân bị đau bụng và có khối sưng đau vùng chậu bẹn bên phải, trước đó đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi.

Kiểm tra tình trạng bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân D.T.N. (nữ, 35 tuổi, trú tại Ninh Thuận) cho biết mình bị sưng đau vùng chậu bẹn phải cách nhập viện 14 ngày, đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Nay khối sưng đau nhiều hơn nên người bệnh đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Qua hỏi bệnh, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có tiền căn viêm dạ dày, trước nhập viện 2 tháng, bệnh nhân đã từng bị hóc xương cá mú biển. Sau đó, do không có biểu hiện bất thường gì nên không đi khám bệnh kiểm tra.

Quá trình thăm khám cho thấy có khối sưng đau vùng chậu bẹn phải , kích thước 2x3 cm, mật độ chắc, ấn đau chói. Ngoài ra, bụng của bệnh nhân mềm, trung đại tiện bình thường, không đi cầu ra máu.

Dựa vào các kết quả cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Dị vật thành bẹn phải và được chỉ định phẫu thuật lấy dị vật.

Bác sĩ phẫu thuật tiến hành rạch da vùng hố chậu phải ngay trên nếp bẹn phải khoảng 3cm (nơi sờ thấy khối nghi ngờ dị vật). Bóc tách và bộc lộ thấy khối u viêm đến sát lá phúc mạc thành vùng chậu bẹn phải và cắt trọn khối u viêm.

Xẻ khối u viêm vừa cắt thấy bên trong có khối dị vật là xương cá khoảng 1,5-2 cm, lấy mô u viêm gửi làm giải phẫu bệnh.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, bụng mềm, vết mổ khô giảm đau nhiều và được xuất viện.

Theo ThS.BS Võ Thanh Hải, Khoa Ngoại tổng quát, vô tình hay cố ý nuốt phải dị vật là tình trạng phổ biến trong thực hành lâm sàng và đa số các dị vật này hoặc gây ra các biến chứng của nó như chảy máu, thủng ruột, tắc ruột, áp xe ổ bụng… hoặc đào thải theo ống tiêu hóa ra ngoài qua hậu môn.

Tuy nhiên, có thể nói cực kỳ hiếm gặp là dị vật đi xuyên ống tiêu hóa ra ngoài thành bụng mà không hề có gây chảy máu tiêu hóa, viêm nhiễm hay áp xe trong ổ bụng.

Trường hợp này của bệnh nhân trên là khá hy hữu, khi bệnh nhân may mắn từng bị hóc xương cá trước đó và quá trình di chuyển của đoạn xương cá trong ống tiêu hóa đến ruột và đi xuyên thành ruột ra đến thành bụng mà không gây ra các triệu chứng hay biến chứng như chảy máu, viêm phúc mạc, áp xe… Chỉ đến khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau vùng chậu bẹn phải thì mới đi khám và phát hiện dị vật.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Trong quá trình ăn uống, nhất là các thực phẩm có nguy cơ hóc dị vật như các loại cá xương to, trái cây có hạt cứng, xương sụn, xương gà, vịt, heo… thì nên ăn chậm, nhai kỹ, không đùa giỡn nói chuyện khi ăn. Đặc biệt ở người già, trẻ em, người có răng giả càng phải cẩn thận hơn trong quá trình ăn uống để tránh bị hóc dị vật, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục