Phát triển chuyên ngành phục hồi chức năng Việt Nam bắt kịp với thế giới

Lê Thạch, icon
09:59 ngày 29/09/2018

VTV.vn - Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và giải pháp tăng cường công tác phục hồi chức năng.

Hướng tới phát triển chuyên ngành phục hồi chức năng tại Việt Nam.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu người khuyết tật (chiếm 7-10% dân số). Bên cạnh đó, có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, hơn 3 triệu nạn nhân chất độc hóa học/dioxin. Số người khuyết tật có xu hướng ngày một gia tăng do hậu quả của chiến tranh còn nặng nề, do già hóa dân số, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và do mắc các bệnh không lây nhiễm tăng cao.... Người khuyết tật rất cần được chăm sóc và phục hồi chức năng để tái hòa nhập cộng đồng.

Phát triển chuyên ngành phục hồi chức năng Việt Nam bắt kịp với thế giới - Ảnh 1.

Hiện mạng lưới các cơ sở phục hồi chức năng được hình thành và phát triển trên toàn quốc với 63 bệnh viện/ trung tâm. Trong đó tuyến trung ương có 1 bệnh viện và 1 trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai); 100% bệnh viện tuyến trung ương có khoa phục hồi chức năng, 38 bệnh viện phục hồi chức năng thuộc Sở Y tế; 27 cơ sở phục hồi chức năng trực thuộc các bộ, ngành khác....

Những năm qua, nhiều ứng dụng chuyên sâu trong lĩnh vực phục hồi chức năng đã được triển khai ứng dụng như vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, tâm lý trị liệu, dụng cụ chỉnh hình….Nhiều cơ sở phục hồi chức năng tuyến trung ương, tuyến tỉnh, bộ, ngành đã phát triển và ứng dụng được các kỹ thuật điều trị chuyên sâu, kỹ thuật cao của ngành phục hồi chức năng thế giới. 

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, giúp người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, công tác phục hồi chức năng ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Nguồn lực hạn chế, đội ngũ cán bộ phục hồi chức năng còn mỏng, nhất là tuyến cơ sở, các chính sách còn chưa đồng bộ... Chính vì vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu phục hồi chức năng ngày càng cao của người bệnh, người khuyết tật và người dân.

Với chủ đề: "Chia sẻ kinh nghiệm Quốc tế và giải pháp tăng cường công tác phục hồi chức năng", hội nghị đã nêu bật thực trạng và các giải pháp nhằm phát triển công tác phục hồi chức năng ở Việt Nam giai đoạn 2018-2021. Đây cũng là diễn đàn cung cấp các thông tin về dịch vụ phục hồi chức năng, đào tạo nguồn nhân lực phục hồi chức năng; đồng thời chia sẻ một số kết quả nghiên cứu mới nhất, các kinh nghiệm thực hành một số kỹ thuật mới trong phục hồi chức năng trong nước và thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục