Phòng bệnh nấm chân thường gặp ngày mưa lũ

Ban Thời sự, icon
11:37 ngày 27/07/2017

VTV.vn - Để phòng bệnh nấm chân, bà con lưu ý rửa chân thật sạch bằng xà phòng sau khi vừa lội nước bẩn vừa giúp ngừa nấm ngứa, vừa tránh bị cảm và bệnh hôi chân.

Trong những ngày mưa lụt, không ít bà con phải ngâm chân dưới nước bùn khi bì bõm lội qua những rãnh nước mưa. Đây cũng là môi trường lý tưởng cho bệnh ngoài da chân phát triển. Bệnh này không chữa trị ngay, nấm sẽ nhanh chóng lan rộng, có thể lây lan khắp người, dẫn tới chảy máu, nhiễm khuẩn.

Nếu chân đang có những biểu hiện như những vùng da đỏ, hồng, xuất hiện các hạt nước ngứa li ti, chảy dịch, bong da hoặc đóng vảy trắng dày cộp và rất ngứa, rất có thể bà con đã mắc bệnh nấm chân. Nấm ngứa có thể xuất hiện nhiều nhất ở các kẽ chân, lòng bàn chân hoặc rìa bàn chân. Ban đầu sẽ rất ngứa, bong từng lớp da chân, sau đó da mỏng dần đi và chuyển đau rát. Nấm da rất "chuộng" môi trường ấm áp, ẩm ướt.

Nếu bà con hay đi chân trần dưới đường, lội ruộng, hay dùng chung dép, khăn tắm với người khác hãy cẩn thận, bởi nấm chân là bệnh có thể bị lây nhiễm. Vảy da của người mắc bệnh nấm chân sẽ tự tróc và rụng xuống đất. Khi bị dẫm phải những vảy da này có nguy cơ cao sẽ lây nhiễm nấm chân.

Như vậy để phòng bệnh nấm chân, bà con lưu ý hãy rửa chân thật sạch bằng xà phòng sau khi vừa lội nước bẩn vừa giúp ngừa nấm ngứa, vừa tránh bị cảm và bệnh hôi chân.

Nếu vẫn chưa cảm thấy khô ráo, có thể sử dụng thêm phấn rôm để hút hết ẩm trên chân. Bà con lưu ý khi trời mưa hãy sử dụng ủng, nhất là với người có da mỏng dễ nhiễm nấm ngứa.

Khi đã bị nấm nước li ti, hãy dùng thuốc bôi để trị trước khi bệnh lan rộng ra, tránh để chân tiếp xúc với nước bẩn khi đã có triệu chứng ngứa. Khi bị nổi hạt nước, không được gãi khiến hạt nước vỡ ra, nấm sẽ lan rộng sang các vùng da xung quanh nhanh hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục