3 bệnh nhân bị ngộ độc là 2 vợ chồng cùng con trai hơn 30 tuổi người Nùng, ở Chi Lăng, Lạng Sơn. Đáng lo ngại, họ ăn phải loại nấm gây ngộ độc chậm, mức độ độc cực cao, chỉ cần ăn 1 cây đã có thể dẫn đến tử vong. Trong khi đó, 2 bố con đã ăn 6 - 7 cây nấm, còn người mẹ chỉ ăn nước canh nấm cũng bị suy gan, suy thận cấp phải lọc máu.
Được biết, sau tới gần 10 tiếng ăn nấm, họ mới có biểu hiện ngộ độc như nôn nhiều, đau bụng, tiêu chảy liên tục.
Dù đã được tích cực lọc máu, thải độc, nhưng hiện men gan của 2 bố con vẫn cao gấp 100 lần bình thường. Người con vẫn đang hôn mê, nguy cơ tử vong rất cao.
Sự nguy hiểm của việc ăn nấm rừng đã được cảnh báo nhiều lần, bởi có rất nhiều nấm độc bằng mắt thường không thể phân biệt được. Nhưng ở vùng nông thôn, nhất là khu vực rừng núi, bà con vẫn dựa vào kinh nghiệm đi rừng, hái về ăn mà không nghĩ rằng có thể nguy hại đến tính mạng.
Việc điều trị ngộ độc rất tốn kém, tới hàng trăm triệu đồng. Trong khi nhiều người nghèo ở vùng sâu vùng xa lại không nghĩ đến việc mua bảo hiểm y tế như gia đình này. Họ đã bán hết tài sản, vay mượn khắp nơi nhưng hiện việc điều trị đã vượt khỏi khả năng của người thân.
Thời điểm cuối Xuân đầu Hè cũng là thời điểm bắt đầu vào mùa nấm. Vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý đến nguy cơ ngộ độc nấm rừng, nhất là ở vùng rừng núi phía Bắc. Để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!