Phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong

P.V, icon
10:27 ngày 23/10/2020

VTV.vn - Hiện nay, bệnh phong hoàn toàn có thể khống chế bằng nhiều biện pháp. Trong đó, phục hồi chức năng là phương pháp quan trọng để hạn chế thấp nhất mức độ tàn tật.

Bệnh viện Phong Chí Linh, tỉnh Hải Dương hiện đang điều trị cho 112 bệnh nhân phong. Trong đó, trên 90% số bệnh nhân có mức độ tàn tật nặng với độ tuổi trung bình từ 70 - 80 tuổi.

BSCKII Nguyễn Quang Cương, Giám đốc Bệnh viện Phong Chí Linh (Hải Dương) cho biết: Với số lượng bệnh nhân phong có mức độ tàn tật nặng, cao tuổi, công tác phục hồi chức năng cho các bệnh nhân phong tại bệnh viện luôn được chú trọng. Bên cạnh những phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu, bằng chỉnh hình giày dép, các bác sĩ lồng ghép việc điều trị các bệnh khác mà bệnh nhân có thể mắc phải để phục hồi loét ổ gà, viêm xương cho bệnh nhân.

Hơn 50 năm, bệnh nhân N.T.T. (87 tuổi, trú tại Hải Dương) đã gắn bó với Bệnh viện Phong Chí Linh. Nhập viện với mức độ tổn thương nặng ở các chi, buộc phải phẫu thuật chỉnh hình cả 2 chân. Sau khi được phục hồi chức năng, sức khỏe của bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực.

Bệnh nhân N.T.T. chia sẻ: "Tôi bị tổn thương ở chân nên đau không đi lại được, người gầy. Nhưng từ ngày giải quyết cưa cắt đến giờ nó sạch sẽ đi, ăn uống khỏe. Bây giờ, tôi ngoài 80 tôi còn khỏe hơn lúc tôi vào đây".

Còn bệnh nhân Đ.T.T. (quê ở Hưng Yên), phải cưa 1/3 chân do di chứng tàn tật của phong. Nhờ phục hồi chức năng, giờ đây bệnh nhân có thể đi lại như người bình thường.

"Cắt chân đi xong được điều trị. Bây giờ đi lại, đạp xe đi bình thường. Tập luyện cũng đem lại cho tôi sức khỏe tốt hơn) - bệnh nhân Đ.T.T. cho hay.

Sức khỏe tốt lên, sinh hoạt ít bị phụ thuộc... là sự thay đổi của hầu hết các bệnh nhân phong khi được phục hồi chức năng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, hiện công tác phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong vẫn còn những khó khăn.

BSCKII Nguyễn Quang Cương cho biết thêm: Vật dụng cho phục hồi chức năng rất hạn chế. Phần lớn bệnh nhân cao tuổi, tàn phế, nên việc giám sát thường xuyên của các bác sĩ rất khó. Chỉ cần bệnh nhân không hợp tác với thầy thuốc thì sẽ không mang lại hiệu quả.

Nếu không điều trị kịp thời, phong sẽ để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn… Vì vậy, các bác sĩ lưu ý: cần duy trì và đẩy mạnh sàng lọc, phát hiện sớm, phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong. Có như vậy, mới có thể đạt được mục tiêu cuối cùng "thanh toán hoàn toàn" bệnh phong.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục