Sản phẩm hỗ trợ ngủ không kê đơn melatonin có an toàn cho trẻ em không?

Nguyễn Mai, icon
06:37 ngày 28/03/2021

VTV.vn - Melatonin là một loại sản phẩm hỗ trợ ngủ không kê đơn phổ biến, được hàng triệu ngươi lớn trến thế giới sử dụng. Vậy nó có tốt cho trẻ em không?

Một trong những sản phẩm Melatonin được bán rộng rãi tại các cửa hàng thuốc và trên mạng

Bà Rebecca Robbins, một nhà khoa học tại Bệnh viện Phụ nữ Brigham ở Boston, chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ, cho biết: "Có quan điểm cho rằng nếu thuốc này có thành phần là tự nhiên thì nó không thể làm tổn thương sức khỏe người dùng".

"Sự thật là chúng tôi thực sự không biết tác động của melatonin về lâu dài, đối với người lớn hay trẻ em" - bà nói.

Tiến sĩ Cora Collette Breuner, Giáo sư khoa nhi tại Bệnh viện Nhi Seattle thuộc Đại học Washington, cho biết: "Mọi người nghĩ melatonin là một loại thảo mộc hoặc thực phẩm bổ sung, nhưng đó là một loại hormone. Vậy uống thuốc này có làm chậm quá trình dậy thì không? Nó có làm thay đổi sự xuất hiện kinh nguyệt ở bé gái không? Nó có ảnh hưởng đến những người mắc bệnh nội tiết tố như bệnh tuyến giáp không? Nó có ảnh hưởng đến một số bệnh khác có liên quan đến nội tiết tố như thiếu insulin và bệnh tiểu đường không?".

Melatonin là gì?

Melatonin được tiết ra bởi tuyến tùng, nằm sâu trong não và được giải phóng vào máu. Mức độ melatonin điều chỉnh chu kỳ ngủ - thức tự nhiên của cơ thể, hoặc nhịp sinh học, điều chỉnh nó theo ngày và đêm.

Được kích hoạt bởi bóng tối, việc sản xuất melatonin bị ngừng lại bởi ánh sáng. Đó là một trong những lý do mà các chuyên gia về giấc ngủ khuyên bạn nên tránh ánh sáng trước khi ngủ và không nên bật điện, bao gồm cả ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại và máy tính.

Theo bà Breuner, nghiên cứu cho thấy melatonin được sử dụng tốt nhất để điều trị mất ngủ hoặc khó vào giấc, tức là khoảng thời gian ai đó đi vào giấc ngủ. Do đó, nó thường được sử dụng để điều trị cho những người bị tác động của lệch múi giờ.

Theo một nghiên cứu năm 2018, người làm việc theo ca và "cú đêm", những người cần lùi giờ đi ngủ để dậy sớm đi làm cũng đã sử dụng thành công melatonin, nhưng kết hợp với liệu pháp hành vi.

Khi nói đến melatonin và trẻ em, "các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng tác dụng của melatonin khác nhau ở mỗi trẻ do rối loạn giấc ngủ khác nhau và sự thay đổi trong nhịp sinh học" - bà Breuner nói.

Bà cho biết, trong 6 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng về điều trị melatonin ở trẻ em, melatonin làm giảm thời gian đi vào giấc ngủ, dao động từ 11 đến 51 phút.

"Tuy nhiên, đây là những nghiên cứu rất nhỏ với kết quả rất khác nhau. Vì vậy, tôi lưu ý các bậc cha mẹ rằng các bạn cần theo dõi con mình xem chúng mất bao lâu mới chìm vào giấc ngủ. Đây không phải là thứ mà con bạn nên dùng mãi mãi. Không ai biết tác dụng lâu dài của việc dùng thuốc này đối với sự tăng trưởng và phát triển của con bạn".

Những điều chưa biết về melatonin

Theo Viện Y tế Quốc gia, việc sử dụng melatonin dường như "an toàn cho hầu hết trẻ em trong thời gian ngắn".

Nhưng cơ quan này cũng chỉ ra rằng "có những điều không chắc chắn về liều lượng sử dụng và thời điểm sử dụng, tác động của việc sử dụng melatonin trong thời gian dài và liệu lợi ích của melatonin có lớn hơn những rủi ro có thể xảy ra hay không?".

Các tác dụng phụ được ghi nhận ở trẻ em bao gồm buồn ngủ, nhức đầu, kích động và tăng đái dầm hoặc đi tiểu vào buổi tối. Cũng có khả năng xảy ra phản ứng có hại với các loại thuốc kê đơn như thuốc dị ứng của trẻ em.

Cơ quan này cũng cảnh báo các chất bổ sung có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nội tiết tố, "bao gồm tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt và sản xuất quá mức hormone prolactin" - nguyên nhân gây ra sự phát triển của vú và sữa ở phụ nữ.

Vì melatonin được bán dưới dạng thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc, các nhà sản xuất melatonin không chịu sự giám sát của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Chính vì thế, các bậc cha mẹ nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho con em sử dụng thường xuyên sản phẩm này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục