Nguy hại tự ý dùng thuốc an thần trong điều trị chứng rối loạn giấc ngủ

Mỹ Hạnh, icon
07:46 ngày 19/06/2019

VTV.vn - Có nhiều người bị rối loạn giấc ngủ không đến cơ sở y tế khám, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng điều trị mà tự ý mua thuốc an thần về uống để hỗ trợ giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, nếu ngủ được cũng sẽ không ngon giấc, dậy sớm không ngủ lại được hoặc tỉnh lại nhiều lần trong khi ngủ. Rối loạn giấc ngủ không phải là bệnh mà là hậu quả của một căn bệnh nào đó.

Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, trung bình 1 ngày bệnh viện khám và điều trị từ 5 đến 10 người bị chứng rối loạn giấc ngủ. Chỉ riêng trong tháng 5, bệnh viện đã khám và điều trị cho gần 70 trường hợp.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng Khoa Khám, đa số những trường hợp đến bệnh viện khám đều mắc chứng rối loạn giấc ngủ mạn tính (tức trong một ngày chỉ ngủ được 1 đến 2 giờ hoặc không ngủ được). Trước khi đến bệnh viện khám và điều trị, những trường hợp này đã điều trị nhiều phương pháp khác nhau từ đông y đến tây y, song nguy hiểm nhất là tự ý mua thuốc an thần về uống.

Chị N.T.T. (50 tuổi, trú tại CưM’Gar, Đắk Lắk) bị rối loạn giấc ngủ kéo dài gần 3 năm nay. Trước khi đến bệnh viện điều trị, chị đã tự ý mua thuốc an thần về uống trong khoảng thời gian dài và cũng đã đi các bệnh viện tâm thần lớn ở Sài Gòn và Hà Nội để chữa bệnh rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, do không tuân thủ đúng phác đồ của các bác sĩ, ở bệnh viện nào chị T. cũng điều trị được 3 đến 4 tuần thấy tình trạng ngủ không được cải thiện chị lại bỏ dở điều trị và chuyển sang bệnh viện khác.

Với trường hợp này, bác sĩ Bé cho biết: việc điều trị rối loạn giấc ngủ cho bệnh nhân T. rất khó khăn do bệnh nhân mong muốn mau chóng lấy lại giấc ngủ nên không kiên trì chữa bệnh một nơi mà hay bỏ dở điều trị. Điều trị rối loạn giấc ngủ không phải ngày 1 ngày 2 là khỏi mà có thể từ 6 tháng đến 1 năm. Và nếu điều trị hay bỏ dở, lưng chừng rất dễ gây ra tình trạng kháng thuốc khiến việc điều trị sau này càng khó khăn và phức tạp hơn.

Tương tự, là trường hợp anh T.M.V. (49 tuổi, trú tại Hòa Thắng, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) do suy nghĩ nhiều nên cũng bị mất ngủ thường xuyên. Có hôm thức trắng đêm không chợp mắt được, tình trạng này kéo dài khoảng 1 tuần thì sức khỏe anh sa sút hẳn. Thay vì đến cơ sở y tế để bác sĩ tìm nguyên nhân, điều trị chứng rối loạn giấc ngủ, anh đã lên mạng tìm mua thuốc an thần về uống.

Anh chia sẻ: "Mặc dù tôi biết tác hại của thuốc an thần nhưng không dùng thuốc thì tôi không ngủ được. Đáng lo là lúc đầu tôi chỉ cần uống nửa viên là đã có thể ngủ ngon, nhưng giờ uống nửa viên vẫn không thể ngủ. Vì vậy, tôi đã tăng liều dùng và dùng thường xuyên hơn. Dạo gần đây, mỗi sáng thức dậy, người mệt đừ, không còn minh mẫn, hứng thú trong công việc mới đến bệnh viện khám".

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, rối loạn giấc ngủ không phải là một bệnh mà có thể là hậu quả của stress, căng thẳng kéo dài, hoặc là bị mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, cao huyết áp, hen phế quản, viêm khớp... Nguyên tắc trong điều trị thì phải điều trị nguyên nhân, không phải điều trị triệu chứng. Mà rối loạn giấc ngủ chỉ là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe nào đó mà thôi. Tuy nhiên, nhiều người khi bị rối loạn giấc ngủ, thay vì tìm hiểu nguyên nhân, thay đổi lối sống cho khoa học để cải thiện tình trạng giấc ngủ thì lại chọn cách mua thuốc an thần về uống.

Thuốc an thần là thuốc điều trị chứng rối loạn giấc ngủ làm dễ ngủ, ngủ sâu, kéo dài thời gian ngủ. Tuy nhiên, đây là loại thuốc nằm trong danh mục thuốc kê đơn, chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Việc người dân tự ý mua và sử dụng thường xuyên rất nguy hiểm vì chúng gây quen thuốc, gây nghiện, làm cho người bệnh phải lệ thuộc vào nó, nếu thời gian sử dụng kéo dài và liều lượng lớn sẽ gây hại trực tiếp đến sức khỏe.

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc ngủ, thuốc an thần không đảm bảo chất lượng. Uống thuốc an thần không rõ nguồn gốc, sử dụng không theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ và việc lạm dụng thuốc không chỉ khiến tác dụng của thuốc bị giảm mà còn gây ra tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc, dẫn đến việc điều trị rối loạn giấc ngủ vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, thuốc an thần còn gây ra tác dụng phụ có hại, như lú lẫn, ảnh hưởng đến trí nhớ, nhận thức.

Rối loạn giấc ngủ nếu không điều trị sớm, lâu ngày sẽ khiến người bệnh bị lo âu, trầm cảm, một số trường hợp bị rối loạn tâm thần do mất ngủ kéo dài. Để cải thiện tình trạng giấc ngủ, bác sĩ Nguyễn Thị Bé lưu ý: người dân cần chú ý đến chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, thay đổi môi trường làm việc, tránh xa các yếu tố gây stress. Nên ngủ và thức ở một giờ nhất định. Không nên uống các chất kích thích như cà phê, trà đậm vào buổi tối trước khi đi ngủ. Thường xuyên tập thể dục thể thao, tăng cường sức khỏe...

Bên cạnh đó, người mới bị mất ngủ cũng có thể dùng những loại thảo dược thiên nhiên lành tính để cải thiện tình trạng, như: tâm sen, lạc tiên, lá vông sắc lấy nước uống. Nếu thực hiện các biện pháp tự nhiên như trên mà giấc ngủ không được cải thiện, nên đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần kinh để tìm hiểu nguyên nhân và trên cơ sở đó các bác sĩ có hướng điều trị phù hợp, tránh tình trạng lạm dụng thuốc an thần mà "tiền mất tật mang".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục