Sàng lọc bệnh trước hôn nhân để tránh sinh con mắc bệnh Tan máu bẩm sinh

Minh Đức, icon
05:30 ngày 22/05/2019

VTV.vn - Mỗi năm, nước ta có khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tan máu bẩm sinh, cách duy nhất để hạn chế căn bệnh này là sàng lọc gen bệnh trước hôn nhân và chẩn đoán trước sinh.

Theo thống kê của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, hiện nước ta có trên 20.000 người bị Thalassemia – bệnh tan máu bẩm sinh cần phải điều trị cả đời, mỗi năm có khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Điều nguy hiểm là người trong cộng đồng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh rất lớn, nhưng ít được phát hiện nên đã sinh ra những đứa con mắc bệnh.

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc TT Thalassemia (Viện Huyến học Truyền máu TƯ) cho biết, theo Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, cả nước có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh Thalassemia, nhưng còn rất nhiều người mang gen bệnh trong cộng đồng chưa được phát hiện. Người dân có thể chủ động phòng tránh với những xét nghiệm tầm soát cơ bản, chi phí thấp thông qua xét nghiệm tiền hôn nhân để phát hiện có mang gen bệnh hay không.

Bác sĩ cũng cho biết, nhiều năm về trước, bệnh nhân mắc căn bệnh này thường không đủ điều kiện chữa trị nên dễ bị biến chứng. Nhưng nhờ phong trào hiến máu được hưởng ứng nhiều, lượng máu để điều trị bệnh đã đủ, người bệnh cũng được phát hiện sớm, truyền máu định kỳ nên sức khỏe đã tốt hơn, ít xảy ra biến chứng và có cuộc sống bình thường, hòa nhập cùng xã hội.

Đươc biết, chi phí trung bình cho một bệnh nhân nặng từ khi sinh ra đến khi 30 tuổi hết khoảng 30 tỷ. Mỗi năm cần có trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả các bệnh nhân có thể được điều trị (tối thiểu) và cần khoảng 500.000 đơn vị máu. Có thể thấy, căn bệnh này để lại một gánh nặng lớn về kinh tế cho cả xã hội và gia đình người bệnh. Ngoài cách điều trị truyền máu "trọn đời" như hiện nay, biện pháp duy nhất cho tương lai là làm thế nào để sinh ra những thế hệ trẻ em khỏe mạnh, không mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Thực tế, mỗi năm nước ta vẫn có khoảng 8.000 trẻ em sinh ra mắc bệnh Thalassemia.

Theo bác sĩ Hà thì để sinh ra đứa con khỏe mạnh, không bị bệnh Thalassemia, các bạn trẻ nên đi xét nghiệm sàng lọc bệnh, người mang gen bệnh Thalassemia thì nên kết hôn với người không mang gen bệnh này. Trường hợp cả hai vợ chồng đều mang gen bệnh thì cần được tư vấn, chẩn đoán trước sinh để tránh việc sinh ra con mắc bệnh. Việt Nam đã triển khai có hiệu quả nhiều phương pháp chẩn đoán trước sinh, thụ tinh trong ống nghiệm và chẩn đoán trước chuyển phôi, giúp nhiều cặp vợ chồng cùng mang gen bệnh Thalassemia sinh con không bị bệnh.

Các chuyên gia y tế cũng nhận định, căn bệnh tan máu bẩm sinh là vấn đề của toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống và tương lai của giống nòi. Vì vậy cần sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành các cấp và toàn thể xã hội.

Đặc biệt nếu có thể triển khai đồng bộ các giải pháp Quốc gia như: Đưa bệnh Thalassemia vào chương trình sàng lọc cho các cặp đôi trước kết hôn; đưa bệnh Thalassemia vào danh sách 4 bệnh cần được sàng lọc trước sinh; đưa xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu là xét nghiệm bắt buộc đối với các sản phụ đến khám thai lần đầu; tuyên truyền, vận động các gia đình có con trong độ tuổi học sinh phổ thông tự nguyện tham gia sàng lọc bệnh; đưa chi phí xét nghiệm vào thành toán BHYT… thì trong tương lai chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và ngăn chặn căn bệnh tan máu bẩm sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục