Tình trạng béo phì ở trẻ em Mỹ trầm trọng hơn do COVID-19

Nguyễn Mai, icon
04:36 ngày 12/01/2021

VTV.vn - Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng béo phì ở trẻ em, đặc biệt ở cộng đồng người da màu tại Mỹ.

Việc học ở nhà khiến trẻ em có nhiều cơ hội ăn vặt hơn, dẫn đến tăng cân và béo phì.

Trong vài tháng qua, các bác sĩ nhi khoa Mỹ đã chứng kiến nhiều trẻ đã tăng từ 2-10kg. Trong một năm chứa đựng quá nhiều bi kịch và đau khổ, chuyện trẻ em tăng hay giảm vài cân nặng dường như không được chú ý nhiều, nhất là thời điểm các em phải học trực tuyến tại nhà và không được tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhưng sự tăng cân mà chúng ta đang thấy ở trẻ em không hề nhỏ và cũng không thể chờ đến khi dịch bệnh hết rồi mới giải quyết.

Nghiên cứu thực hiện trong cộng đồng người da màu cho thấy: Vô số trẻ em đã không được tiếp cận đủ dinh dưỡng và hoạt động thể chất mà chúng nhận được khi đi học ở trường trước kia. Việc học trực tuyến từ nhà cũng tác động đến nếp sinh hoạt của trẻ em. Nếu như trước đây, thông thường 20h tối trẻ phải đi ngủ - nhưng trong khoảng thời gian đại dịch, trẻ thường ngủ muộn hơn do phải học bài hoặc mải chơi. Việc cha mẹ phải làm việc từ nhà cũng khiến thời gian họ ở cạnh con cái nhiều hơn, kéo đến số lượng những bữa ăn trong ngày cũng tăng lên, đa phần là ăn vặt. Những thay đổi trong mọi gia đình đã xảy ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục và tình trạng mất an ninh lương thực tăng vọt. Chi tiêu trong các gia đình cho thực phẩm dần dần thắt chặt và họ chuyển sang tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn với giá thành rẻ hơn, nhiều calo hơn cho trẻ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết: Những đứa trẻ trong cộng đồng này có tỷ lệ béo phì cao hơn trước khi đại dịch bùng phát và là những người có nguy cơ cao nhất phải chịu hậu quả suốt đời vì tình trạng thừa cân, béo phì. Tại Mỹ, 18,5% tổng số trẻ em từ 2 đến 19 tuổi, tương đương 13,7 triệu trẻ em, hiện bị béo phì. Đối với trẻ em gốc Mỹ Latinh, tỷ lệ béo phì là 25,8%, so với 22% đối với trẻ em da màu không phải gốc Mỹ Latinh và 14,1% ở trẻ em da trắng không phải gốc Mỹ Latinh.

Hơn nữa, chính trẻ em bị béo phì có nguy cơ cao nhất mắc các biến chứng nghiêm trọng nếu nhiễm virus, bao gồm việc phải đặt nội khí quản và phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Không chỉ có nguy cơ cao mắc COVID-19, các biến chứng do béo phì ở trẻ em được biết đến bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh gan nhiễm mỡ, cholesterol cao, bệnh thận mãn tính, các vấn đề về cơ xương và tự ti vì cơ thể to béo.

Trong vài tháng qua, các phòng khám trên khắp nước Mỹ đã ghi nhận ngày càng nhiều tình trạng những em bé khỏe mạnh trước đây, nay bị cao huyết áp, tăng các dấu hiệu tiền đái tháo đường và đái tháo đường, những đứa trẻ cố tình bỏ bữa sau khi nhận thấy mình tăng cân và những trẻ tăng cân nhanh còn gặp tình trạng khó thở hoặc ngạt thở khi ngủ.

Học viện Nhi khoa Mỹ đã kêu gọi hơn 60.000 thành viên bác sĩ nhi khoa của mình tiếp tục sàng lọc, tư vấn và điều trị bệnh béo phì ở trẻ em.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục