Tuyên Quang: 2 anh em trai đuối nước tại bể chứa nước của gia đình

P.V, icon
05:31 ngày 15/06/2022

VTV.vn - Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận cấp cứu 2 trường hợp trẻ bị đuối nước tại bể chứa nước của gia đình, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Hình minh họa.

Theo thông tin từ bệnh viện, chiều ngày 14/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận 2 trường hợp (là anh em trai ruột) cùng trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, được gia đình đưa đến nhập viện sau khi bị đuối nước tại bể chứa nước (không đậy nắp) ở vườn của gia đình.

Gia đình trẻ cho biết: Khi gia đình phát hiện 2 trẻ đuối nước đã đưa 2 anh em đến bệnh viện cấp cứu.

Anh trai trong tình trạng nguy kịch, kíp trực cấp cứu đã nỗ lực cứu chữa nhưng không qua khỏi. Em trai sau 1 ngày điều trị, sức khỏe ổn định và đã được xuất viện.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo: Trẻ nhỏ thường hiếu động luôn muốn tìm tòi hiểu biết thế giới xung quanh, các phụ huynh phải luôn giám sát con em mình khi đi tắm biển, ao, hồ, sông, suối… Đậy kín các vật dụng chứa nước trong nhà; không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, đặc biệt đối với các trẻ mới biết đi, dạy trẻ biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tạo môi trường an toàn cho trẻ em tránh xa nguồn nước.

Khi phát hiện trẻ đuối nước, cần tìm cách tiếp cận và đưa trẻ lên bờ an toàn, nếu người cứu không biết bơi thì cần tìm cách ném phao, cây gỗ hoặc một sợi dây để kéo trẻ. Luôn nhớ gọi thêm người giúp đỡ như nhân viên cứu hộ và cán bộ y tế.

Sau khi tiếp cận được trẻ bị đuối nước, cần nâng đầu trẻ cao hơn mặt nước nhằm giúp trẻ hô hấp và bình tĩnh trở lại. Khi lên bờ, trẻ có thể tỉnh hoặc bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức bằng các phương pháp sau:

Đặt trẻ nằm ngửa trên sản trong tư thế đầu thấp, cần đảm bảo lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ. Nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức.

Quan sát lồng ngực của trẻ không còn di động cần thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần.

Ngay sau khi hô hấp nhân tạo cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo.

Hai bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống khoảng 2 - 3 cm với nhịp điệu 2 lần/giây.

Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại.

Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô… Hạ thân nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt đối với nhóm trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

Sau khi sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục