WHO khuyến cáo yếu tố làm giảm tuổi thọ của người dân châu Âu

Nguyễn Mai, icon
07:59 ngày 12/09/2018

VTV.vn - Tuổi thọ của người dân châu Âu tiếp tục tăng, tuy nhiên xu hướng này có nguy cơ bị đảo ngược do tỷ lệ người béo phì và thừa cân gia tăng.

Lối sống là yếu tố ảnh hưởng tới việc tăng tuổi thọ của người châu Âu

Khuyến cáo này được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra trong báo cáo Y tế châu Âu công bố ngày hôm nay, 12/9.

Báo cáo thống kê số liệu của 53 nước trong khu vực từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Theo đó, tuổi thọ trung bình của người dân trong khu vực này tăng từ 76,7 tuổi năm 2010 lên 77,8 tuổi năm 2015. Dù cách biệt không quá lớn, phụ nữ tiếp tục có tuổi thọ cao hơn nam giới, lần lượt là 81,1 tuổi và 74,6 tuổi. WTO ghi nhận tuổi thọ trung bình của người dân tại khu vực trên ở mức cao nhất thế giới, song có sự khác biệt lớn giữa các nước, trong đó nam giới ở Iceland thọ trung bình 81,4 tuổi, nhiều hơn 16 tuổi so với nam giới ở Kazakhstan chỉ thọ trung bình 65,7 tuổi.

Giám đốc WHO khu vực châu Âu, bà Zsuzsanna Jakab nhận định tuổi thọ tăng không đồng đều giữa các vùng miền trong một nước, giữa các nước, giữa nam và nữ, cũng như giữa các thế hệ. Bà Jakab khuyến cáo nếu không có biện pháp can thiệp, các yếu tố liên quan đến lối sống có thể cản trở hoặc thậm chí đảo ngược xu hướng tăng tuổi thọ ở những nước này.

Theo báo cáo trên, tỷ lệ người béo phì và thừa cân có xu hướng tăng lên ở đa số các nước châu Âu. Năm 2016, số người bị béo phì ở "lục địa già" chiếm 23,3%, tăng 2,5 điểm phần trăm trong vòng 6 năm, trong khi số người thừa cân chiếm 58,7%, tăng 2,8 điểm phần trăm. Đặc biệt, tại Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ béo phì ở phụ nữ chiếm 39,2%, tức là cứ 10 phụ nữ thì có gần 4 người bị béo phì.  Hai quốc gia khác có tỷ lệ béo phì cao là Malta và Anh lần lượt chiếm 29,8% và 27,8%.

Báo cáo cũng lưu ý châu Âu nằm trong số khu vực có tỷ lệ hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn cao nhất trên thế giới. Khoảng 29% số người ở độ tuổi 15 tuổi tại châu Âu hút thuốc lá, so với mức 24,8% của Đông Nam Á và mức 16,9% của châu Mỹ. Theo số liệu từ năm 2013, tỷ lệ người hút thuốc tăng lên 43,4% ở Hy Lạp, 39,5% ở Nga và 28,1% ở Pháp.

Tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn giảm so với mức cao của những năm 90 của thế kỷ XX và thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, song mức 8,6 lít/người năm 2014 cho thấy người dân châu Âu vẫn sử dụng đồ uống có cồn cao hơn các khu vực khác. Trong số đó, Litva có mức tiêu thụ trung bình cao nhất với 15,2 lít/người, sau đó lần lượt là CH Séc (12,7 lít) và Bỉ (12,6 lít) năm 2014.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục