Công việc chăn nuôi ổn định, anh Đỗ Văn Hiến ở Thôn Mạn Xuyên, Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên dự định mua thêm một đàn bò và đất để chuyển khu vực chăn nuôi ra ngoài đồng cho đảm bảo vệ sinh. Anh nhẩm tính sẽ cần khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, theo quy định với 1 sổ đỏ đang có, anh chỉ được vay cố định 50 triệu đồng, tương đương một nửa nhu cầu.
Gia đình chị Nguyễn Thị Diển ở Thôn An Cảnh, Hàm Tử, Khoái Châu, Hưng Yên, sau khi mua thêm gần 1.000m2 ruộng để đào ao thả cá, nuôi gà, nuôi lợn cũng đã quyết định đi vay ngân hàng thêm 150 triệu để mua con giống. Tuy nhiên, dù cầm trong tay giấy tờ đất đai có giá trị đến hơn 1 tỷ đồng, ngân hàng cho biết cũng chỉ cho chị vay được vỏn vẹn 100 triệu đồng.
Ngân hàng khẳng định nông dân vay ưu đãi được đến 300 triệu. Nhưng các tổ vay vốn khẳng định chỉ được tập huấn hạn mức vay ưu đãi tối đa là 1/3 số đó.
Chỉ riêng một hạn mức vay mà đã có cách hiểu quá khác nhau từ người vay, người cho vay đến những trung gian hỗ trợ. Thực tế này cho thấy còn quá nhiều sự không rõ ràng trong chính sách vay vốn ưu đãi ở không ít địa phương. Một khi chính sách ưu đãi không được thực hiện minh bạch, người nông dân không thể được thụ hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ như ý nghĩa đúng đắn ban đầu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!