Tuy nhiên, khi việc khai thác than lộ thiên không còn dễ dàng như trước và khai thác hầm lò ngày càng xuống dưới độ sâu, đòi hỏi chi phí cao thì điều này xem như một nghịch lý.
‘ Ảnh minh họa
Mỗi ngày có hàng nghìn chuyến xe phải đổ đất đá thải tại các bãi khai thác than. Theo tính toán của công ty than Đèo Nai, nếu cung đường đổ thải xa hơn 100m thì mỗi năm doanh nghiệp này sẽ đội chi phí lên tới 40 tỷ đồng.
Để giảm bớt chi phí này, công ty than Đèo Nai và nhiều doanh nghiệp khác trong tập đoàn Than đang phải tận dụng những bãi đổ thải có vị trí gần hơn. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, việc siết chặt định mức nhiên liệu và nâng cao hiệu suất thiết bị mới thực sự là nhu cầu cấp bách hiện nay.
Ông Phạm Văn Hoan, Phó Giám đốc Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả cho biết: "Chúng tôi tiết kiệm tất cả các khoản chi phí từ xăng dầu, những khoản không cần thiết để giảm giá thành thấp nhất".
Ông Lê Văn Nhẫn, Chủ tịch Công đoàn công ty tuyển than Cửa Ông cho biết thêm: "Cố gắng tiết giảm chi phí từ 5-10% cụ thể là không để chạy phương tiện không tải, tiết kiệm xăng dầu và hao mòn thiết bị".
Đại diện một số doanh nghiệp ngành than cho biết nếu tiết kiệm từ 5-10% chi phí sản xuất thì có thể bù đắp được một phần giá thành sản phẩm. Tuy nhiên trong điều kiện giá bán than cho một số ngành như nhiệt điện hiện chỉ bằng 87% giá thành sản xuất sẽ rất khó khăn vì càng sản xuất nhiều thì càng lỗ, trong khi đó khả năng xuất khẩu cũng chưa mấy sáng sủa.
Trong khi Tập đoàn than đang kiến nghị lên Bộ Tài chính giảm thuế xuất khẩu nhằm giảm áp lực về giá và giải phóng lượng hàng tồn kho thì việc các doanh nghiệp ngành than chủ động tiết giảm chi phí sản xuất được coi là sách lược để sản xuất ổn định lúc này.