Xử lý nợ xấu: Cần cơ chế mở cho NĐT ngoại

Việt Hoàng-Thứ năm, ngày 12/09/2013 15:57 GMT+7

 Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, để thị trường nợ xấu thực sự hoạt động hiệu quả thì cần một chất xúc tác mới, đó là sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Quan điểm này dựa trên kinh nghiệm từ lịch sử mua bán nợ xấu trên các thị trường quốc tế.

Hàn Quốc, giai đoạn 1999-2003: 8,5% nợ xấu đã được mua bán với nhà đầu tư nước ngoài. Chiến lược chính là liên danh, liên kết với trong nước.

Malaysia, trong cùng giai đoạn thì đẩy mạnh việc thuê các công ty nước ngoài về quản lý nợ xấu của mình.

Từ 2003 - 2004, đến lượt thị trường mua bán nợ của Trung Quốc sôi động. Chỉ trong vòng 2 năm, 10 tỷ USD nợ xấu của quốc gia này, chủ yếu là ở khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được xử lý nhờ dòng vốn ngoại.

Và còn nhiều quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia cũng đều là những mô hình đi trước trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Dù mức độ thành công có khác nhau, nhưng chìa khóa chung là sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài.

Vậy với khối nợ xấu của Việt Nam lúc này thì sao? Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong: “Nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh về tiền, cơ chế làm việc cũng khá nhanh, nên nếu họ thấy có lợi nhuận trong đó thì chắc chắn họ sẽ tham gia”.

‘ 60% các quỹ đầu tư nước ngoài được hỏi quan tâm tới việc mua bán tài sản nợ xấu tại Việt Nam. Ảnh: VTV News

Đồng tình với quan điểm trên, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng nhấn mạnh: “Đó là xu thế tất yếu, bởi vì theo quy luật thị trường, có cung sẽ có cầu, nó sẽ giúp cho quá trình xử lý nợ xấu ở 4 mặt cơ bản: một là nguồn vốn; hai là tăng tính minh bạch cho việc mua bán nợ, vì rõ ràng là khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào, họ yêu cầu minh bạch rất cao; thứ ba là sẽ tạo ra thị trường mua bán nợ sôi động hơn và thanh khoản hơn. Cuối cùng là chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị điều hành”.

Thực tế, theo khảo sát mới đây của Công ty Kiểm toán và tư vấn Grant Thornton, hiện có tới 60% các quỹ đầu tư nước ngoài được hỏi quan tâm tới việc mua bán tài sản nợ xấu tại Việt Nam. Ba phương thức để nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia thị trường nợ cũng được chỉ ra: Trực tiếp mua bán với các NHTM, thông qua VAMC, hoặc liên danh liên kết với các công ty tài chính hay quỹ đầu tư trong nước.

Công ty Tài chính quốc tế IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng thế giới World Bank cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội tại thị trường nợ Việt Nam. Tuy nhiên, như mọi nhà đầu tư ngoại khác, IFC cũng đang đối mặt với những rào cản pháp lý.

“Với IFC, chúng tôi hy vọng có thể làm việc trực tiếp với các ngân hàng để mua lại các khoản nợ này. Tuy nhiên hành lang pháp lý để các ngân hàng bán lại các khoản nợ xấu cho chúng tôi, nếu có thể, thì lại chưa rõ ràng. Mặt khác, điểm mấu chốt đứng đằng sau các khoản nợ xấu là bất động sản, trong khi đó, nhà đầu tư ngoại lại không dễ có được quyền sở hữu và bán chúng”, ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực của IFC tại Việt Nam chia sẻ.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng: “Chúng ta gần như bế tắc, gần như đóng cửa với nhà đầu tư nước ngoài vì vướng ở những cơ chế về sở hữu nhà cửa, sở hữu đất đai, về tỷ lệ góp vốn cổ phần đối với các DN nói chung và đối với các ngân hàng nói riêng. Tất cả những vấn đề đó có những cái chúng ta đang xem xét tháo gỡ, nhưng có những cái thì chưa thấy đặt ra trong lịch trình”.

NHNN vừa ban hành thông tư cụ thể hướng dẫn việc mua bán nợ giữa VAMC và các tổ chức tín dụng, nhưng theo các chuyên gia, cần thiết phải có một đạo luật riêng về xử lý nợ xấu và một cơ chế thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước