Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, để đánh giá đây đã thực sự là tín hiệu đáng mừng hay chưa thì phải nhìn rõ những nguyên nhân cụ thể.
Tháng 5 và tháng 6 được ghi nhận là hai tháng liên tiếp tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng trên đà giảm theo tổng hợp từ báo cáo của các NHTM. Tuy nhiên, do từ đầu năm đến nay tổng dư nợ cho vay có tăng trưởng nên nếu tính ra con số tuyệt đối thì thậm chí đến cuối tháng 5, nợ xấu vẫn tăng, tháng 6 mới thực sự giảm. Vậy giảm là do đâu?
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã chỉ ra 3 nguyên nhân: Các ngân hàng hy sinh lợi nhuận, tiếp tục sử dụng quỹ trích lập dự phòng rủi ro để bù đắp nợ xấu. Kinh tế đã dần phục hồi, DN đang phần nào bán được hàng và trả được nợ, thể hiện ở sự cải thiện của các chỉ số. Cuối cùng là các ngân hàng vẫn đang tích cực cơ cấu lại nợ theo chủ trương của NHNN.
‘ 6 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng trưởng nợ xấu vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Ảnh: VnEconomy
Đồng quan điểm trên, Trưởng khoa tài chính ĐH Ngân hàng TP.HCM Lê Thẩm Dương cũng đánh giá cao nỗ lực của các ngân hàng trong việc tự xử lý nợ xấu thời gian qua. Theo ông Dương thì việc VAMC ra đời cũng là một động lực khiến các ngân hàng phải nỗ lực giảm con số nợ xấu.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác thì Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng Trương Thanh Đức cho rằng, trong các nguyên nhân dẫn đến việc nợ xấu quý II giảm phần nhiều là do các ngân hàng đang đảo nợ cho nhau từ nợ xấu thành nợ tốt một cách bất hợp lý để làm đẹp sổ sách.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nợ xấu mới, phát sinh trong năm nay tuy được kiểm soát tốt, nhưng nợ xấu cũ thì vẫn chưa thực sự được giải quyết. Thậm chí theo tính toán của chuyên gia này, nhiều nợ xấu nhóm 3, 4 đã nhảy xuống nhóm 5 - nhóm có nguy cơ mất vốn. Hiện nhóm này có thể đã chiếm tới 50% lượng nợ xấu.
Đó là quan điểm của một số chuyên gia, còn về phía người trong cuộc - các ngân hàng thì hầu hết khi được phóng viên liên lạc đều chưa tỏ ra sẵn sàng để trả lời.