Ở miền núi, các điểm bản nằm cách xa nhau, đường đi trong điều kiện bình thường đã hiểm trở, nhiều khó khăn. Cũng chính vì vậy, để “gieo cái chữ” ở những vùng đặc biệt khó khăn, bao giáo viên cùng với tình yêu nghề, yêu trẻ đã nguyện hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và kiên trì bám trường, bám bản gieo ước mơ cho học sinh.
"Các thầy, các cô đã dành cả tuổi thanh xuân trên những rẻo cao để ngày ngày dạy chữ, dạy làm người cho các em nhỏ người dân tộc ở vùng khó Lai Châu". Đó là những chia sẻ của cô giáo Bùi Phương Nhung, người đã có nhiều năm công tác tại điểm trường vùng khó của huyện Sìn Hồ, Lai Châu.
Những khó khăn trên đường tới các điểm bản không phải là những trở ngại duy nhất mà các giáo viên cắm bản phải vượt qua. Nhiều điểm bản không có điện, thiếu nước sinh hoạt; học sinh chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhút nhát; cha mẹ các em chưa có thói quen cho con em đến trường vì thế giáo viên lại trèo đèo, lội suối đi vận động.
Có không ít thầy cô đã mất 10 năm, 20 năm để làm quen nhưng chẳng thể quen những cung đường đồi núi hiểm trở. Ở những vùng khó ấy, những ánh mắt ngây thơ của con trẻ, tiếng ê a của học trò là động lực để các thầy cô giáo vượt qua tất cả…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!