Gương mặt buồn rượi của em, không biết bao giờ em mới có thể ra được phòng hồi sức để ra ngoài kia.
Là một bệnh nhân nhi đặc biệt của khoa Hồi sức tích cực Ngoại tim mạch – Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, cậu bé Hải Anh dễ khiến người khác thấy yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi những cử chỉ, hành động vô cùng đáng yêu. Thân hình trắng trẻo, mũm mĩm, em quen thuộc, gắn bó với các bác sĩ, y tá ở đây như là bố là mẹ của mình bởi dù mới 3 tuổi nhưng em đã có thâm niên ở viện cũng đã tròn 3 năm.
Kể chuyện về cậu bé này, bác sĩ Lê Tiến Dũng - Phó khoa Hồi sức tích cực Ngoại Tim mạch cho hay: “Trước mổ Hải Anh được chẩn đoán là thông liên thất hẹp phổi và đã mổ để sửa toàn bộ những bất thường trong tim. Sau khi mổ xong thì bé bị viêm phổi rất nặng và có biến chứng liệt cơ hoành và phải điều trị lâu dài do tình trạng viêm phổi nặng và khó cai thở máy do yếu cơ hô hấp. Khi tình trạng phổi của bé ổn định bé tiếp tục trải qua 2 lần phẫu thuật khâu gấp nếp cơ hoành với hy vọng cai được máy thở.
Sau khi khâu xong thì cơ hoành không hồi phục được mấy và chúng tôi cũng đã tiến hành nhiều phương pháp tập thở và cai thở máy nhiều lần cho bé rồi nhưng đều thất bại. Tình trạng của Hải Anh được cho là tổn thương hệ thống cơ hô hấp, khí phế quản và tổn thương phổi mãn tính do thở máy kéo dài. Bé đã được tiến hành nội soi phế quản và được chẩn đoán sụn mềm khí quản, vấn đề này chúng tôi cũng đã mời các chuyên gia hô hấp của Viện Nhi trung ương sang hội chẩn, cũng như tham khảo ý kiến các chuyên gia Nhật Bản khi sang làm việc tại Trung tâm và đưa ra các biện pháp điều trị nhưng đều không đạt kết quả điều trị như mong muốn. Bệnh sụn mềm khí quản cũng là một trong những bệnh lý đường hô hấp rất phức tạp và càng gây khó khăn cho việc cai máy thở cho bé.
Tình trạng hiện nay của Hải Anh đó là bị tổn thương nhiều cơ quan cùng 1 lúc nên việc ra được khỏi phòng hồi sức còn là câu chuyện dài sau này. Giờ bé mà bỏ máy thở là ngừng thở, tím tái luôn và thậm chí là tử vong luôn nên việc chữa trị còn kéo rất dài nữa và cũng khá tốn kém vì em phải dùng nhiều kháng sinh và truyền dinh dưỡng”.
Sau lời tâm sự, gương mặt bác sĩ Dũng cũng chùng xuống đầy vẻ lo lắng bởi đã nhiều lần tập cai máy thở cho Hải Anh nhưng đều thất bại vì thế trước mắt bé vẫn phải điều trị trong phòng hồi sức để duy trì sự sống và phục hồi chức năng hô hấp.
Biết được tình trạng bệnh của con trai nên bố của em là anh Đỗ Văn Hoàng đứng ngồi không yên, trong lòng lúc nào cũng như có lửa đốt. Nhìn con qua tấm cửa kính ở phòng hồi sức, anh quay ra buồn rầu chia sẻ:
“3 năm rồi cô ạ, nhìn con mà thắt hết cả ruột gan nhưng một ngày con còn sự sống thì vẫn phải tiếp tục chiến đấu chứ biết làm sao được. Thương con lắm nhưng anh còn làm được gì hơn ngoài việc đi vay giật tiền ở khắp mọi nơi để theo đuổi việc chữa chạy cho cháu. Nhưng mà giờ thì cũng không vay tiếp được nữa rồi cô ạ nên anh đang không biết tính tiếp thế nào nữa”.
Nói rồi anh lại lặng lẽ quay mặt đi để cố giấu đôi mắt đã đỏ hoe như muốn khóc. Con bệnh, gia đình lại nghèo túng khi vợ chồng chỉ làm ruộng, anh hoàn toàn không biết bấu víu vào ai để tiếp tục duy trì sự sống cho con. 3 năm kể từ khi con trai chào đời cũng là bằng đó thời gian con sống trong 1 thế giới hoàn toàn khác, thế giới của những chiếc máy trợ thở, của những màu trắng trên áo bác sĩ, màu trắng của ga giường phòng bệnh… Con không được bước ra bên ngoài bởi chỉ cần tích tắc không thở được con sẽ vĩnh viễn rời xa thế giới này, rời xa mọi thứ mà trong suốt 3 năm qua mọi người đã cố để cứu con.
Một điểm đặc biệt nữa ở Hải Anh khiến chúng tôi vô cùng ám ảnh đó là hình ảnh cậu bé tự lấy tay ấn chiếc ống thở ở mũi nếu nó có tuột ra hay chỉ hơi lỏng một chút. 3 tuổi em còn nhỏ lắm nhưng có lẽ đã ý thức được rõ ràng nếu như không có chiếc ống đó em sẽ không chịu được đến chết nên với đôi bàn tay bé xíu ra tự đẩy vào. Nhìn em lúc ấy, chúng tôi đã bật khóc, thương em đến thắt ruột mà không biết làm sao?.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.