ác sĩ đang nỗ lực cứu chữa nhưng gia đình lại khánh kiệt, không lo nổi chi phí. Ảnh: Dân trí
Nỗ lực vượt lên số phận của đứa trẻ bị ruồng bỏ
Nằm trên giường bệnh với cánh tay trái băng bó trắng toát, phải cố định bằng hệ thống khung kim loại, cậu bé không giấu nổi những cơn đau đang hành hạ thân xác. Nhìn cháu đau đớn, cụ bà với gương mặt khắc khổ thi thoảng lại đưa tay gạt những giọt nước mắt thi nhau lăn dài. Nghe bà kể về số phận bất hạnh và tai nạn thương tâm xảy đến với cháu ai trong phòng bệnh cũng bùi ngùi xót thương.
Cậu bé 15 tuổi, đối mặt với nguy cơ phải đoạn bỏ cánh tay trái
Qua chia sẻ từ cụ Nguyễn Thị Nãy (72 tuổi), cậu bé Võ Đông Hồ (15 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TPHCM) là cháu ngoại của cụ. "Khi thằng bé mới được 3 tháng tuổi thì cha mẹ nó xảy ra mâu thuẫn rồi ly hôn. Cha nó bỏ về quê, mẹ nó đi làm xa, từ đó thằng bé sống với tôi. Không lâu sau, hai đứa chúng đều đi thêm bước nữa, chẳng đứa nào chịu nhận nuôi thằng bé và cũng chẳng cấp dưỡng gì. Khi đó, tôi còn chút sức lực nên ráng sức làm mướn, bà cháu ráng đùm bọc nhau bữa rau bữa cháo sống qua ngày".
Trong cảnh khó khăn, nhưng nhờ có khoản trợ cấp 775.000 đồng cho người có công với cách mạng (làm giao liên, tải đạn trong kháng chiến chống Mỹ) bà Nãy cố gắng cho cháu đi học. "Năm nào nó cũng có giấy khen và được học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó, tôi vui lắm. Nhưng 2 năm nay, tôi không còn sức để lo cho cháu đầy đủ nên điều kiện học hành của thằng bé không được chu toàn, quần áo, sách vở thiếu thốn đủ đường" – người bà ngậm ngùi.
Người bà đã ở tuổi "xưa nay hiếm" bất lực trước nỗi đau của đứa cháu ngoại
Học hết lớp 8, nhưng lao động nhiều nên thân hình vạm vỡ, Đông Hồ xin theo người cậu đi làm. Ban đầu chỉ phụ giúp những công việc đơn giản, nhưng sau đó cậu bé dần làm quen với nhiều loại máy, xe khác nhau. Nằm trên giường bệnh, Đông Hồ tâm sự: "Thời gian đầu, con chỉ xin mấy chú làm cầu đường cho lái thử xe lu, sau đó dần thành thạo, con học lái được cả máy múc. Gần đây con học rồi lái được máy cày nên đi theo cậu nhận xe cuốn rơm, cày ruộng sau mùa vụ".
Nguy cơ tàn phế sau tai nạn
Tuổi cao sức yếu, trong khi việc học của đứa cháu càng lên cao chi phí càng tốn kém nên bà Nãy không đủ sức để lo. Cách đây hơn 2 tháng Đông Hồ đã phải nghỉ học lớp 9 hệ chính quy để đi làm phụ giúp bà và tự kiếm sống để nuôi chính mình. "Phải nghỉ học con tiếc lắm, nhưng không đi làm thì cả hai bà cháu đều thiếu thốn". Vốn tính ham học, sau khi được thầy cô động viên, giúp đỡ, Đông Hồ đã đăng ký học lớp bổ túc văn hóa. "Con chỉ phải học 4 môn vào buổi tối nên ban ngày có thể đi làm kiếm tiền. Sau khi tốt nghiệp cấp II, con tính sẽ đi học nghề." – Cậu bé vô tư tâm sự.
Bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa nhưng gia đình lại khánh kiệt, không lo nổi chi phí
Ngày 11/3 Đông Hồ đang điều khiển máy cày trên đồng thì sợi dây ràng rơm của hệ thống cuốn bị đứt. Cậu bé xuống xe nối lại dây nhưng không tắt máy. Trong lúc cố gắng xoay xở, tay áo bị vướng vào hệ thống bánh răng, không kịp phản ứng, Đông Hồ bị cuốn cánh tay trái vào trong. "Lúc đó, con nghĩ mình sẽ chết, thì được ông chủ ruộng phát hiện, tắt máy rồi chạy đi gọi người đến tháo máy, kéo con ra. Cánh tay của con khi đó chỉ còn xương trắng, thịt bị máy chém ra, nghiền nát, máu chảy thành vũng dưới ruộng" – cậu bé nhớ lại những hình ảnh xảy đến với mình trước khi choáng, lịm đi.
BS-CKII Phan Ngọc Thịnh, khoa Chấn thương Chỉnh hình cho hay: "Khi vào viện, cánh tay và nửa trên cẳng tay trái của bệnh nhân bị dập nát, lộ xương, mạch máu đứt, nguy cơ phải cắt cụt. Nhưng cậu bé còn nhỏ tuổi, nếu bị cắt cụt tay thì cả cuộc đời còn lại sẽ là bi kịch lớn. Chúng tôi đã nỗ lực cắt lọc vùng dập nát, lấy động mạch ở cẳng chân để nối lại mạch máu, vạt cơ vùng lưng tái tạo phần cơ đã bị mất với hy vọng điều trị bảo tồn".
Khoản viện phí bệnh viện yêu cầu tạm ứng 30 triệu đồng chưa biết xoay xở ở đâu
Tuy nhiên, sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân đang gặp phải tình trạng nhiễm trùng rất nặng (vi khuẩn đa kháng thuốc) phải điều trị bằng kháng sinh mạnh. "Suốt 1 tháng thằng bé nằm viện, cha mẹ nó chỉ đến thăm rồi về chẳng cho con được đồng nào. Cậu nó đã vay mượn gần 100 triệu đồng để cứu cháu. Giờ bệnh viện yêu cầu đóng thêm 30 triệu đồng nữa nhưng không còn ai cho mượn cả" – bà Nãy nghẹn ngào.
Theo BS Ngọc Thịnh: "Chi phí điều trị mỗi ngày của Đông Hồ tốn gần 2 triệu đồng, song gia đình quá khó khăn, không còn khả năng chi trả. Chúng tôi có thể hỗ trợ hết sức về chuyên môn, tuy nhiên nếu không được đáp ứng đủ phác đồ điều trị kháng sinh, cậu bé có thể vĩnh viễn mất đi cánh tay của mình bởi tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nặng gây hoại tử" – BS Ngọc Thịnh cho hay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!